Những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác kiểm kê di tích, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, chống xâm hại di tích. Nhiều địa phương có di tích đã thành lập ban quản lý di tích, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, giúp nhân dân địa phương và du khách tham quan hiểu về giá trị của di tích. Các địa phương đã sử dụng hợp lý nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí tôn tạo di tích hằng năm của tỉnh nên các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Tiêu biểu là các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh.
Chùa Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) được khởi công tu sửa vào ngày 22-4-2012 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. |
Huyện Hải Hậu có 24 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh, hằng năm có 12 lễ hội được tổ chức tại các di tích lịch sử, văn hóa đảm bảo đúng quy định. Nhiều năm qua, nhân dân đã quyên góp hàng tỷ đồng để bảo quản, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Tại huyện Xuân Trường, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia, ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong 3 năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hàng chục di tích trên địa bàn huyện được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Cụ thể như: chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, xã Xuân Hồng được đầu tư, tôn tạo với kinh phí trên 16 tỷ đồng; chùa Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường khởi công tu sửa ngày 22-4-2012 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; chùa Trung, xã Xuân Trung, di tích lịch sử cấp quốc gia vừa hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các di tích như: đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; đình, chùa Lạc Quần (xã Xuân Ninh); đền, chùa Thọ Vực (xã Xuân Phong)… được tu bổ với kinh phí 200-500 triệu đồng. Đình và chùa làng Thanh Khiết, xã Giao Yến được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 2007. Đình làng Thanh Khiết thờ Đức Thánh Triệu Việt Vương và các vị tổ có công lập làng thuộc các dòng họ: Lưu, Vũ, Đỗ, Trần, Đặng, Nguyễn, là di tích lịch sử tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2011, nhân dân trong làng đã tiến hành trùng tu công trình với kinh phí gần 3 tỷ đồng và trên 5.000 ngày công lao động, công trình đã hoàn thành, bảo đảm giữ được kiến trúc truyền thống. Trong 2 năm qua, công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở huyện Giao Thủy đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích; công tác tu sửa được tiến hành đúng nguyên tắc phục chế, nâng cao giá trị di tích. Tiêu biểu như đình, chùa Vĩnh Nghiêm, xã Giao Tân đầu tư tu sửa với kinh phí hơn 5 tỷ đồng; chùa Hoành Lộ, xã Giao An và chùa Đan Phượng được trùng tu với kinh phí trên 3 tỷ đồng, chùa Giao Thanh trên 1,2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm kê di tích nói riêng và công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích còn tồn tại những hạn chế. Việc phân cấp quản lý di tích còn chồng chéo giữa cấp và ngành. Đối với các di tích chưa được xếp hạng (gần 1.800 di tích), các địa phương tự ý sửa chữa mà không xin ý kiến và không có sự tham gia của các ngành chuyên môn. Do đó, ở một số di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo đã bị “biến dạng”, không còn nguyên kiến trúc gốc. Tình trạng “thương mại hoá di tích”, mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra ở một số di tích... Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá để nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong nhân dân, đồng thời kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm làm tổn hại di tích. Cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử, văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo di tích một cách khoa học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho công tác tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá. Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Ngoài ra, cần tăng cường khai thác giá trị di tích, phát huy tốt hơn nữa các lễ hội gắn với di tích để thu hút khách tham quan, giúp tăng nguồn thu để tái đầu tư cho tu bổ di tích./.
Bài và ảnh: Việt Thắng