Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), với những giải pháp chiến lược tỉnh ta là địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ so với các tỉnh trong khu vực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; diện mạo nông thôn đã đổi khác; khoảng cách chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp, mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn.
Kỳ I. Ba giải pháp chiến lược đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn
Nam Định thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn trong khi nguồn kinh phí cần đầu tư cho xây dựng NTM lại rất lớn. Để tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp chiến lược nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn gồm: phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập, giảm nghèo; hiện đại hóa nền hành chính công… Việc chọn đô thị hóa nông thôn làm một trong những mũi nhọn đột phá đã giúp tỉnh đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.
Khu phố thương mại dịch vụ trung tâm thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn
Bắt tay vào xây dựng NTM, nhóm tiêu chí quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế nông thôn được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Trong đó, công tác quy hoạch, xây dựng khu đô thị trung tâm thị trấn các huyện, khu dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Từ dự án thí điểm đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị mới tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) với diện tích 1,2ha, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư 9 tỷ 337 triệu đồng triển khai năm 2011 thì đến năm 2014 cả 9 huyện đều đồng loạt triển khai đầu tư xây dựng theo mô hình này. Trong đó, thị trấn Xuân Trường quy hoạch khu đô thị mới có diện tích 5,2ha, Liễu Đề (5,1ha), thị trấn Mỹ Lộc (9,8ha), thị trấn Cổ Lễ (9,4ha), thị trấn Ngô Đồng (7,6ha)… Thành công trong việc xây dựng khu dân cư tập trung cấp huyện, tỉnh đã ban hành cơ chế đầu tư khu dân cư tập trung ở các xã nhằm tiếp tục huy động hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển hạ tầng. Nhiều xã, thị trấn đã vươn lên trở thành thị trấn mới, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa nông thôn như xã Trực Phú (Trực Ninh) trở thành thị trấn Ninh Cường; thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trở thành thị xã; phía tây tỉnh thì hình thành khu đô thị mới ở địa bàn 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên)… Việc xây dựng khu đô thị trung tâm thị trấn các huyện, khu dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, mang đến diện mạo mới cho các trung tâm huyện lỵ, các trọng điểm kinh tế của tỉnh được coi là đòn bẩy tạo bước phát triển đột phá, vừa góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa ở khu vực nông thôn, vừa đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng nhà ở của người dân; thu hút doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn, tạo ra nguồn thu nhập có tích lũy cho một bộ phận người lao động; đồng thời cũng giải quyết được bài toán khó về nguồn vốn đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn. Song song với xây dựng đô thị trung tâm, khu dân cư tập trung, các xã, thị trấn đồng loạt đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai trên 70 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn để tạo nguồn lực cho xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực; cải tạo, nâng cấp toàn diện điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi…; đặc biệt là giải quyết nhu cầu nước sạch, xử lý rác thải cho nông thôn.
Nâng cao thu nhập cho nông dân
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng NTM nói chung và là tiêu chuẩn đánh giá tốc độ đô thị hóa nông thôn. Tỉnh đã lãnh đạo thực hiện đồng bộ cả 2 mũi nhọn là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Do đó, cơ cấu sản xuất của khu vực nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng sản xuất công nghiêp, thương mại dịch vụ. Trong đó, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,1%. Sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và có thương hiệu. Các huyện, thành phố tập trung mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh. Tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao; 2.300 trang trại, gia trại chăn nuôi; đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung, chú trọng chuyển đổi sang nuôi thâm canh; nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, ước hết năm 2020 có trên 100 sản phẩm được công nhận xếp hạng 3-4 sao. Kinh tế hợp tác chuyển biến tích cực theo Luật Hợp tác xã 2012, khẳng định được vai trò trong tổ chức sản xuất, hỗ trợ kinh tế hộ ở nông thôn tham gia vào chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông sản hàng hóa trong thị trường mở. Giai đoạn 2010-2020, đã thu hút trên 5.000 doanh nghiệp về địa bàn nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng, gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng NTM.
Hiện đại hóa nền hành chính công
Điểm nhấn trong quá trình thực hiện đô thị hóa nông thôn ở tỉnh ta là việc tập trung hiện đại hóa nền hành chính công, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử và phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM. Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng lộ trình tập trung đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cung ứng dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Chương trình đưa internet về nông thôn; chương trình viễn thông công ích; cáp quang về đến hộ gia đình; đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông tại các Bưu cục, điểm Bưu điện văn hóa xã. Các xã, phường, thị trấn đã tập trung thực hiện đồng bộ các phần việc trong xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ việc xây dựng Trang thông tin điện tử; ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác quản lý tại địa phương; sử dụng hệ thống thư điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử... tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động ở vùng nông thôn.
Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa nông thôn đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn mới, góp phần gia tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến hết năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa nông thôn đạt gần 30%, cao hơn gần 20% so với trung bình cả nước. Số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm xuống còn 1,35 lần; mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương