Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

07:09, 02/09/2020

Gần 4 năm qua, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; lòng tin của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng được tăng cường; vai trò, vị trí của cấp ủy, tổ chức đảng được nâng cao; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xã Hải Phương (Hải Hậu) triển khai kế hoạch lấy ý kiến của nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xã Hải Phương (Hải Hậu) triển khai kế hoạch lấy ý kiến của nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 với nhiệm vụ thực tiễn

Theo đánh giá của Ban TVTU, kết quả nổi bật sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với các nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; tập trung thể chế hóa thành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu, vận dụng linh hoạt những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị. Một số địa phương, đơn vị đã lãnh đạo xây dựng các tài khoản Facebook, Fanpage, blog của địa phương, của ngành, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết thông qua việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện 4 nhóm giải pháp cơ bản của Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, của cấp ủy cấp trên bằng những cách làm sáng tạo, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề vướng mắc, bức xúc nhằm lựa chọn những giải pháp đột phá, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; chú trọng hơn công tác công khai, minh bạch, dân chủ. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu, có nhiều đổi mới, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề nổi cộm, phức tạp. Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được duy trì nền nếp hơn. Đa số các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, đã nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, ý thức Đảng, tính Đảng được chú ý hơn. Chỉ tính từ năm 2016 đến tháng 1-2019: người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tiếp 1.249 lượt công dân với 357 vụ việc (số vụ việc đã được chỉ đạo giải quyết là 354); người đứng đầu chính quyền các cấp đã tiếp 8.225 lượt công dân với 200 vụ việc (số vụ việc đã được giải quyết là 162); nội dung chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đòi lại đất, tranh chấp đất đai, việc bồi thường hỗ trợ khi thu hồi, giải phóng mặt bằng... 

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc. Các cấp ủy xây dựng Bộ tiêu chí chấm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân diện ban thường vụ cấp ủy trực tiếp đánh giá; nội dung, tiêu chí đánh giá được thống nhất, cụ thể cho từng tập thể, cá nhân; được lượng hóa bằng thang điểm để thuận lợi trong đánh giá phân loại, bảo đảm đánh giá đúng thực chất, hiệu quả. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân đã chú trọng xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm và xác định những việc cần làm ngay. Từ năm 2016-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy đã tiến hành gợi ý kiểm điểm đối với 232 tập thể và cá nhân theo phân cấp quản lý; kết quả sau gợi ý kiểm điểm đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số tập thể địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kỷ luật Đảng, Nhà nước được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm. Sau kiểm tra, giám sát đã xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm góp phần siết chặt lại kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác cán bộ, cải cách chế độ công vụ... Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 4.570 lượt tổ chức đảng, 4.577 đảng viên (tăng 9,04% tổ chức, giảm 46,52% đảng viên so với nhiệm kỳ trước); kết luận 17 tổ chức đảng, 49 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; 8 tổ chức đảng, 32 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên được cấp ủy các cấp chú trọng thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Về giám sát chuyên đề, trong nhiệm kỳ cấp ủy các cấp đã giám sát 3.990 lượt tổ chức đảng, 3.911 đảng viên (tăng 33% tổ chức, giảm 41% đảng viên so với nhiệm kỳ trước). Về thi hành kỷ luật trong Đảng, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng (giảm 53% tổ chức so với nhiệm kỳ trước); thi hành kỷ luật 2.218 đảng viên (tăng 24% so với nhiệm kỳ trước). Vi phạm chiếm đa số là không chấp hành chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (chiếm 62%); những điều đảng viên không được làm 12%; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý lãnh đạo 5%; vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai 6%; phẩm chất, đạo đức, lối sống 3%; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ 2%... 

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Bên cạnh kết quả đạt được, tại tỉnh ta, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị chưa đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực và các địa phương. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng còn hình thức; việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chưa sát với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa chưa sâu sát với thực tế; chưa thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém; một số nơi chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những khuyết điểm, hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết hiệu quả chưa cao. Sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ ở một số nơi chưa nền nếp; nội dung sinh hoạt ít đổi mới, nhất là ở các chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; nhiều chi bộ chưa đưa nội dung kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số đơn vị còn hạn chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ còn bất cập, nhất là cấp huyện và cơ sở. Việc phân công nhiệm vụ chưa cụ thể; nhiều cơ quan, đơn vị còn tình trạng phân công công việc tập trung vào một số người, dẫn đến người làm không hết việc, người không có việc để làm... Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, lãng phí. Còn lúng túng trong nhận diện và xử lý các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm, đùn đẩy, sợ trách nhiệm vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 8-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để kịp thời cụ thể hoá, tham mưu cho Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành các chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, đảng viên xây dựng và thực hiện nghiêm túc bản đăng ký cam kết ngày từ đầu năm để cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ hàng tháng và vào dịp cuối năm, là cơ sở để xem xét, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm.  

Lãnh đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với kiểm điểm hàng năm và đột xuất; đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 03-QĐi/TU ngày 15-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ gắn với việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Quy định số 1178-QĐ/TU ngày 12-6-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, trung thực, khách quan; làm tốt công tác phát triển đảng viên, thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên, kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư; đưa nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng; tiếp tục lãnh đạo đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng, hướng mạnh về cơ sở. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; ý kiến của nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là về đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vi phạm, những vụ việc được dư luận quan tâm… Thực hiện nghiêm các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm sau kiểm điểm hàng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, đảng viên./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com