Việt Nam có hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng với các sản phẩm nông nghiệp độc đáo trên khắp mọi miền của đất nước, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, thế nhưng trong thực tế việc phát triển loại hình du lịch này chưa xứng với tiềm năng, mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, định hướng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.
Những dấu ấn bước đầu
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Cùng với các loại hình du lịch truyền thống, du lịch nông nghiệp nông thôn đang ngày càng phát triển nhanh với nhiều mô hình tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất ở trang trại, du lịch làng nghề, du lịch homestay ở các hộ gia đình, du lịch tham quan trải nghiệm thiên nhiên kết hợp sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều địa phương có tiềm năng ở phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhất là sản phẩm OCOP đã phát huy được lợi thế đặc sản của từng địa phương, cung cấp sản phẩm chất lượng cho khách.
Có thể nói, hệ thống loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn được khai thác trên mọi miền đất nước và mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhờ đó, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, trở thành những “vùng quê đáng sống”. Hoạt động du lịch dựa trên khai thác các giá trị nông nghiệp, nông thôn được nhiều địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư và đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thu hút khách đến khu vực nông thôn đồng thời tạo ra việc làm, ngành nghề mới, nhu nhập cho người dân nông thôn - khu vực vốn không có nhiều lợi thế để phát triển các ngành dịch vụ.
Thế nhưng nhìn chung, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như của cả nước, còn mang tính tự phát, thiếu kỹ năng chuyên nghiệp, các tiêu chuẩn, quy chuẩn... Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: “Để khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng thế mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, các địa phương cần lập quy hoạch các khu vực đủ điều kiện phát triển du lịch. Nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cần ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng tại điểm đến du lịch nông nghiệp hoàn chỉnh, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới, nhấn mạnh phát triển du lịch phải gắn với thị trường, gắn với năng lực cung ứng dịch vụ của điểm đến, tránh việc phát triển theo phong trào”.
Liên quan đến quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đề nghị các địa phương cần chú trọng giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường, cảnh quan; đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân, đặc biệt những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch tại nông thôn. Đồng thời, cần đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn.
Cần phát triển một cách đồng bộ
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. “Trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, có định hướng phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền. Khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Cùng với việc gia tăng lượng khách du lịch, cần nghiên cứu gia tăng các giá trị văn hóa trong du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung thu hút các nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cơ sở lưu trú, giao thông… Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm mới, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao vai trò chủ động của các địa phương, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia tư vấn độc lập du lịch nông nghiệp, nông thôn cho rằng cần có chủ trương nghiên cứu một cách thấu đáo việc xây dựng nền tảng lý luận mang tính thực tiễn và hết sức đặc thù cho việc phát triển nền du lịch nông nghiệp truyền thống Việt Nam vì đây là vấn đề mang tính hệ thống phức tạp để đưa ra được chính sách phát triển. Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài và nếu thực hiện sẽ cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo vì liên quan trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp (nông hộ, trang trại, các trung tâm khuyến nông lâm ngư nghiệp, các hợp tác xã).
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./.
Theo baovanhoa.vn