Gói hỗ trợ của ý Đảng, lòng dân

06:04, 10/04/2020

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5-4, thảo luận dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh là phải làm nhanh hơn, vì cuộc sống của người dân không thể chờ đợi hơn. Chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sinh động sự quan tâm kịp thời, sát sao của Đảng, Chính phủ đối với người dân trong giai đoạn hiện nay, là niềm cổ vũ, động viên to lớn để nước ta chiến thắng đại dịch nguy hiểm này.

Hơn hai tháng qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Dịch bệnh khiến việc làm, thu nhập của hầu hết người lao động bị giảm sút, các doanh nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn. Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu dịch tiếp tục diễn biến như hiện nay thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440 nghìn - 880 nghìn người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm có thể lên tới 1,32 triệu người.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã dự kiến thông qua gói hỗ trợ trị giá 61.500 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đó là người có công đang hưởng chính sách thường xuyên; người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội; hộ nghèo và hộ cận nghèo; nhóm người lao động (NLĐ) bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; nhóm lao động không có giao kết HĐLĐ, mất việc làm và NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; nhóm hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; nhóm doanh nghiệp không có khả năng trả lương tối thiểu cho NLĐ…

Hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là việc làm cần thiết, cấp bách lúc này. Mục đích là để NLĐ, người dân nghèo vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu và dưỡng sức cho NLĐ tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mong muốn của chúng ta là việc hỗ trợ làm sao thuận lợi nhất, thể hiện sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm cao, không để người dân phải chạy đi xin. Muốn làm tốt việc này, các bộ, ngành Trung ương cần hướng dẫn kỹ càng, nhanh chóng cho các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch để người dân biết, các cơ quan, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng và xử lý nghiêm các vi phạm.

Khi thực hiện hỗ trợ, người đứng đầu tổ chức đảng, tổ chức chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm cao nhất, làm sao tiền của Nhà nước đến tận tay người dân nhanh nhất, đúng nhất, đủ nhất. Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm phải cùng chung tay góp sức để NLĐ có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tối thiểu của gia đình trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi.

Gói hỗ trợ 61.500 tỷ đồng của Chính phủ hướng đến nhân dân trong đại dịch là chưa có tiền lệ, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là ý Đảng, lòng dân để mọi người chăm lo, thương yêu nhau, quyết tâm, đồng lòng vừa ngăn chặn đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nó không chỉ bảo đảm an sinh xã hội, tái sản xuất sức lao động cho người dân mà còn gắn kết tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào trong giai đoạn khó khăn, thử thách này. Hy vọng với tinh thần ấy, chúng ta sẽ nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và giúp đất nước phát triển mạnh mẽ hơn./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com