Giá thịt lợn vẫn chưa "hạ nhiệt" (!)

06:04, 17/04/2020

Trong vài quý gần đây, giá lợn tăng lên mức cao do dịch tả lợn châu Phi năm ngoái đã khiến đàn lợn trên cả nước sụt giảm, số lượng lợn chết nhiều và người dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở nhiều nơi bỏ đàn. Ngày 30-3-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với 15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó các doanh nghiệp đã bày tỏ cam kết sẽ đưa giá thịt lợn xuống dưới 70 nghìn đồng/kg từ ngày 1-4, đồng thời lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 60 đến 65 nghìn đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng đã hào hứng và tin rằng giá thịt tại chợ, siêu thị cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thịt lợn không những không giảm mà còn có xu hướng tăng cao hơn trong những ngày gần đây. Theo một số tiểu thương ở các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Nam Định, tuần trước giá thịt lợn hơi vào khoảng 80 đến 83 nghìn đồng/kg nhưng những ngày gần đây tăng lên xấp xỉ 90 nghìn đồng/kg, từ đó kéo theo giá thịt cũng tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg. Giá thịt tăng khiến cho việc buôn bán kinh doanh ngày càng ế ẩm vì đa số người dân đang thắt chặt chi tiêu vì khó khăn do đại dịch COVID-19.

Giá thịt lợn ở các siêu thị vẫn chưa giảm. Ảnh: vov.vn
Giá thịt lợn ở các siêu thị vẫn chưa giảm. Ảnh: vov.vn

Như vậy, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong bình ổn giá, giá thịt lợn hơi vẫn tiếp tục xu hướng tăng phi mã, ngày càng đi ngược mục tiêu đề ra của cơ quan quản lý và kỳ vọng của người tiêu dùng. Việc các công ty chăn nuôi lớn cam kết “kéo” giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg không đủ sức kéo mặt bằng giá lợn hơi trên thị trường xuống. Các doanh nghiệp cho rằng việc giảm giá thịt lợn không chỉ dựa vào mỗi doanh nghiệp chăn nuôi mà phải có biện pháp đồng bộ từ chuồng trại tới siêu thị, chợ bán lẻ, như vậy mới có hiệu quả trong việc giảm giá. Với giá bán lợn hơi ở mức 80 nghìn đồng/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ xoay quanh khoảng 110 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên trên thực tế, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140 đến 150 nghìn đồng/kg. Thực trạng này cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán thịt từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều người tiêu dùng cho rằng giảm giá lợn hơi chỉ có lợi cho thương lái trong khi người chăn nuôi và người tiêu dùng thực tế khó được hưởng lợi. Thay vì cam kết giảm giá đầu nguồn thì cơ quan quản lý nên tăng cường kiểm soát khâu trung gian, yêu cầu giá đầu ra với mức phù hợp thì may ra người dân mới có thể mua được thịt lợn giá tốt.

Mặc dù cơ cấu tiêu dùng các sản phẩm thịt ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại Việt Nam. Việc đưa giá lợn hơi xuống mức hợp lý không chỉ nhằm đảm bảo kìm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước, nhất là trong giai đoạn dịch dã như hiện nay mà căn bản hơn là giúp hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng nhằm giữ được ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com