Thời gian qua, do người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh khai thác tràn lan nguồn nước ngầm làm nước sinh hoạt, dẫn đến tình trạng mực nước ngầm bị hạ thấp. Hàng ngàn giếng khoan của các hộ dân đã ngừng sử dụng không được trám lấp đúng quy cách cũng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi ra sông ngòi, mương máng; sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón vượt ngưỡng cho phép để lại nhiều tồn dư hoá chất; nước thải ở một số khu, CCN, làng nghề, khu dân cư chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mặt mà còn là nguy cơ gia tăng mức độ thiếu nước. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi tài nguyên nước tại các lưu vực sông cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước ở tỉnh ta.
Để bảo vệ và giữ gìn chất lượng, trữ lượng nước, những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu vai trò, thực trạng của tài nguyên nước và vệ sinh môi trường đối với sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất, đồng thời tổ chức các phong trào hành động bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong nhân dân như: Phong trào xanh, sạch, đẹp, xây dựng tuyến phố, thôn xóm văn hoá, xã hội hoá công tác thu gom rác thải. Sở NN và PTNT chủ động đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đê điều, thủy lợi góp phần hạn chế thẩm thấu, lãng phí nguồn nước; đẩy mạnh chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới nhằm tiết kiệm lượng nước, giảm chi phí sản xuất. Các đơn vị kinh doanh nước sạch, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chú trọng đổi mới phương thức quản lý, nâng cấp hệ thống sản xuất để nâng cao năng lực, hiệu quả cấp nước cho nhân dân…
Cty TNHH MTV Công trình đô thị Nam Định luôn áp dụng tiêu chí sử dụng nước tiết kiệm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước. |
Từ tháng 11-2009 đến nay, Bộ TN và MT và Cơ quan hợp tác kỹ thuật (Vương quốc Bỉ) đã hỗ trợ tỉnh ta thực hiện dự án “Nâng cao năng lực đánh giá, quản lý tài nguyên nước” nhằm thu thập, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ dữ liệu thông tin tài nguyên nước trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thiện 4 trạm quan trắc nước mặt tại các huyện: Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi bảo vệ nguồn nước của các đoàn thể, cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình truyền thông đạt hiệu quả cao như mô hình “Đoạn sông tự quản” tại phường Cửa Nam và phường Trần Tế Xương (TP Nam Định); mô hình “Dòng sông quê em” tại xã Yên Ninh (Ý Yên) và xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Cuối năm 2009, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên (Liên bang Đức) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN và MT) đã thực hiện mô hình 3D về Hợp tác Kỹ thuật Việt Đức do Chính phủ CHLB Đức tài trợ qua dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”. Từ số liệu chính xác về mức tiêu thụ cụ thể, các chuyên gia đã hoàn tất xây dựng mô hình 3D về cấu trúc địa chất thủy văn khu vực Nam Định và dự báo được mực nước ngầm vào năm 2020 của tỉnh sẽ hạ thấp hơn 4,09m so với hiện nay. Đến nay, các chuyên gia dự án đang đào tạo cho các cán bộ quản lý tài nguyên nước của tỉnh để chuyển giao mô hình áp dụng tại địa phương. Việc áp dụng mô hình 3D để dự báo mực nước trong lòng đất giúp tỉnh ta sớm nhận biết chính xác những vùng đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, từ đó chủ động đề ra các biện pháp quy hoạch và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Năm 2012, Sở TN và MT đã chủ động nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, người dân nghiêm túc thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012; đẩy mạnh công tác cấp phép khai thác nước, xả thải vào nguồn nước; tăng cường kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường… Nhờ đó, đã tạo chuyển biến trong chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ nguồn tài nguyên nước của nhân dân trong tỉnh.
Hưởng ứng Ngày nước Thế giới (22-3) năm nay, tỉnh ta đã thực hiện nhiều hoạt động hướng đến chủ đề “Hợp tác vì nước” với thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước” do Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố phát động nhân dân trong tỉnh ra quân thực hiện phong trào khơi thông dòng chảy; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm sông hồ, kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Cty Nước sạch và vệ sinh nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức thu gom rác, vệ sinh khu vực cấp nước của các trạm cấp nước sạch. Các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh chủ động điều chỉnh phương án, biện pháp khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cho sản xuất; tăng cường nạo vét hồ chứa, kênh mương. Sở KH và CN phối hợp với Sở TN và MT, các đơn vị liên quan tổ chức chương trình truyền thông theo chủ đề “Hợp tác vì nước”; khuyến khích các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng trong hoạt động quản lý tài nguyên nước. Các đơn vị trong ngành Y tế tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về vai trò của nước đối với con người; kiểm tra, kịp thời phát hiện chấn chỉnh các thiếu sót trong hoạt động cung cấp nước, phục vụ sinh hoạt của người dân. Tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày nước Thế giới, tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước và đề xuất các giải pháp phân bổ nguồn nước hợp lý; đồng thời vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ, giữ gìn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý