Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh

08:03, 20/03/2013

Hiện nay trong 3 KCN của tỉnh đi vào hoạt động gồm: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh đã có 19 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 1 dự án ngoài KCN đó là Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) ở CCN Nam Hồng (Nam Trực). Tổng số vốn đăng ký của 20 dự án đầu tư nước ngoài là 216,66 triệu USD, chiếm 32,37% tổng số vốn đăng ký hiện tại ở KCN. Số lao động đăng ký của nhóm doanh nghiệp FDI là hơn 24,5 nghìn lao động, diện tích đất sử dụng 96,97ha, chiếm 33,47% tổng diện tích đất các doanh nghiệp đã thuê trong các KCN. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của doanh nghiệp FDI là dệt may, cơ khí, sản xuất hàng phụ trợ, trong đó dệt may chiếm 75% tổng số dự án. Năm 2012, vượt qua những khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, các doanh nghiệp FDI vẫn ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI đạt 1.072 tỷ đồng, chiếm 38,4% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 138,4 triệu USD; giá trị hàng hóa nhập khẩu 371,3 triệu USD. Tính chung năm 2012, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 180,7 triệu USD. Về tình hình việc làm và đời sống, các doanh nghiệp FDI cơ bản bảo đảm đủ việc làm thường xuyên cho người lao động. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI sử dụng 12,75 nghìn lao động, trong đó có 158 lao động nước ngoài là các chuyên gia kỹ thuật và nhà quản lý. Mức lương trung bình ở doanh nghiệp FDI đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở cho người lao động như các Cty: Youngone Nam Định, Youngor Smart Shirts, DF Zin. Phần lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các KCN của tỉnh đều hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong việc phát triển công nghiệp của địa phương cũng như tạo việc làm cho người lao động. Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, PCCC. Một số doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ quỹ khuyến học các cấp như Cty Youngone Nam Định, Cty Universal Candle Việt Nam, Cty Youngor Smart Shirts. Các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có ý thức giữ gìn mối quan hệ chặt chẽ với Ban quản lý các KCN cũng như các địa phương.

Sản xuất các sản phẩm túi xách tay bằng da nhân tạo ở Cty TNHH Yamani Dynasty tại CCN Nam Hồng (Nam Trực).
Sản xuất các sản phẩm túi xách tay bằng da nhân tạo ở Cty TNHH Yamani Dynasty tại CCN Nam Hồng (Nam Trực).

Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một số hạn chế, đó là tiến độ đầu tư thực hiện chậm so với cam kết, còn để lãng phí trong khai thác sử dụng đất như Cty CP TCE Vina Denim, Cty TNHH Ganet Nam Định, Cty TNHH Triton, Cty TNHH Headwork Việt Nam. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến đời sống người lao động, trả lương cơ bản, mức ăn ca, phúc lợi cho công nhân còn thấp, điều kiện lao động còn khó khăn, thiếu sự hợp tác quản lý với cơ quan chuyên môn như Cty TNHH Triton, Cty CP Arksun Việt Nam, Cty TNHH Designer Textiles Việt Nam. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án FDI tại Nam Định đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may, sử dụng nhiều lao động, trong khi đó công nhân chưa có tác phong công nghiệp, hay thay đổi nơi làm việc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Những công nhân đã qua đào tạo thì chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp công nghệ cao, công nhân lành nghề và kỹ sư giỏi vẫn còn thiếu. Về mặt thủ tục pháp lý, các chuyên gia Hồng Kông không xin được giấy lý lịch tư pháp tại Hồng Kông nên khi qua Việt Nam làm việc, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy phép lao động. Các chuyên gia Srilanka không được cấp thị thực để nhập cảnh vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có nhu cầu thuê chuyên gia Srilanka phải làm công văn gửi cho đại sứ Srilanka tại Hà Nội, nếu được chấp thuận mới được xét cấp thị thực nhập cảnh...

Xác định thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu quan trọng. UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý các KCN tỉnh triển khai một số giải pháp mới để thúc đẩy doanh nghiệp FDI phát triển. Tuy nhiên phải chọn lựa và thẩm định các doanh nghiệp thực sự có thế mạnh về tài chính, sử dụng tiết kiệm đất đai, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực cơ khí, điện lạnh, điện tử. Đối với doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản, cần khẩn trương tập trung nguồn vốn đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như dự kiến. Đối với các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, chủ đầu tư cần tiếp tục tập trung nguồn lực nâng cao công suất và hiệu quả cao nhất trong sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp đang dừng hoạt động, yêu cầu nhà đầu tư khắc phục khó khăn, tìm thị trường mới, đối tác mới để đưa dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, cần xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển dụng cụ thể để các cơ quan chuyên môn của tỉnh đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc về xác nhận lý lịch tư pháp, cấp thị thực để nhập cảnh hoặc một số khó khăn khác, đề nghị doanh nghiệp có văn bản gửi đến UBND tỉnh, Ban quản lý các KCN cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tốt dự án tại Nam Định./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com