Bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản

09:03, 22/03/2013

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) tỉnh, trong những năm qua, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh không ngừng tăng lên, tốc độ tăng trưởng bình quân các năm đạt trên 2,1%. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đang đặt ra trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững và nâng cao đời sống của ngư dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.100 tàu, thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất máy gần 88 nghìn CV. Sản lượng khai thác năm 2012 của tỉnh đạt trên 40 nghìn tấn. Để phát triển nghề khai thác thuỷ sản có hiệu quả, an toàn và bền vững, ngành Thủy sản tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các huyện ven biển và Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác quản lý tàu cá, hướng dẫn các chủ tàu và ngư dân tổ chức lại sản xuất theo hướng lấy hộ và nhóm hộ làm đơn vị sản xuất cơ sở, liên kết các tàu, thuyền đánh cá thành tổ, đội để hợp tác sản xuất, giúp nhau bám biển, đồng thời hỗ trợ ứng cứu khi xảy ra thiên tai, sự cố rủi ro trên biển. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất với các tàu có công suất từ 50CV trở lên, xây dựng và thành lập 35 tổ, đội khai thác hoạt động có nền nếp và hiệu quả, điển hình là các tổ đánh cá ở các xã: Hải Chính, Hải Lý (Hải Hậu), Giao Long (Giao Thủy)... Trong số gần 2.100 phương tiện tàu thuyền khai thác, có hơn 30% phương tiện đánh bắt xa bờ với công suất 50CV trở lên. Còn lại là các phương tiện đánh bắt gần bờ công suất dưới 20CV. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS tỉnh cho biết, do sự mất cân đối giữa ngư trường và số lượng tàu thuyền tham gia khai thác khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nhanh chóng. Những năm qua, số lượng tàu thuyền tăng nhanh, song ngư trường khai thác hầu như chưa mở rộng, dẫn đến mật độ tập trung tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển ven bờ cao, có thời điểm có nơi tập trung 35-40 phương tiện/km2. Bên cạnh đó, những biến động về thị trường, giá nhiên liệu tăng khiến chi phí sản xuất tăng theo, trong khi giá bán sản phẩm tăng không đáng kể nên các phương tiện tập trung đánh bắt gần bờ để tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, do thời tiết trên các vùng biển trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, thất thường, tai nạn trên biển xảy ra nhiều gây thiệt hại khá nặng nề, trong khi trang thiết bị an toàn trên các tàu đánh bắt xa bờ thiếu, lạc hậu, không đảm bảo cho việc đi biển dài ngày. Cùng với đó, việc sử dụng xung điện, chất nổ, hoá chất trong hoạt động khai thác làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng ven bờ. Trong khi đó, hệ thống tổ chức quản lý hoạt động khai thác hạn chế cả về nhân lực và vật lực, không kiểm soát hết các tàu hoạt động trên biển. Có thể thấy, các nguyên nhân đó dẫn đến hoạt động khai thác thủy sản đã và đang làm cho nguồn lợi thủy sản gần bờ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống ngư dân và tác động tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của ngành.

Những phương tiện công suất nhỏ dưới 20CV chuyên đánh bắt gần bờ là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nhanh chóng (ảnh chụp tại bến cá xã Hải Chính, huyện Hải Hậu).
Những phương tiện công suất nhỏ dưới 20CV chuyên đánh bắt gần bờ là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nhanh chóng (ảnh chụp tại bến cá xã Hải Chính, huyện Hải Hậu).

Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục KTBVNLTS tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường giám sát các hoạt động nghề cá theo quy định, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đối với lĩnh vực đăng ký, đăng kiểm tàu cá, bên cạnh việc thường xuyên hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; ngành Thuỷ sản đã thực hiện việc cấp sổ danh bạ thuyền viên, giấy phép khai thác hải sản trên các tuyến khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện sớm đi vào hoạt động sản xuất. Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần, chế biến xuất khẩu thủy sản. Rà soát số phương tiện nghề cá, phân loại theo nghề, tuyến và vùng hoạt động làm cơ sở cho công tác quản lý; hạn chế các tàu có công suất máy dưới 20CV hoạt động khai thác gần bờ. Quản lý tốt các cơ sở đóng mới tàu cá và xử lý nghiêm những cơ sở tự ý đóng mới tàu cá thuộc diện cấm. Đồng thời, khuyến khích người dân đóng mới tàu cá có công suất trên 90CV, để chuyển sang khai thác tầm trung và xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, kết hợp khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong năm 2012, Chi cục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương thực hiện các đợt tuyên truyền tập trung ở 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 2-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, thu hút trên 120 lao động nghề cá tham gia. Chi cục phối hợp với Phòng Khai thác của Cục KTBVNLTS tuyên truyền về các tác hại của việc khai thác mang tính tận diệt, đặc biệt là vùng ven bờ để ngư dân bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thủy sản, hướng tới nuôi trồng, khai thác đảm bảo sinh kế bền vững. Để duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong năm 2012, Chi cục kết hợp với Tỉnh Đoàn, Sở TN và MT và Trung ương Đoàn tổ chức thả giống các loại tôm, cá biển, cá truyền thống ra các vùng nước tự nhiên. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với chính quyền các địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tuyên truyền đến từng hộ ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được tăng cường, nhưng còn không ít khó khăn. Thời gian gần đây, số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTBVNLTS tuy có giảm nhưng mức độ vi phạm lại tinh vi và khó lường hơn. Tình trạng khai thác thủy sản mang tính huỷ diệt khó phát hiện, kiểm soát. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của các loài thủy sản. Vì vậy, để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần củng cố lại việc tổ chức sản xuất; nâng cao tính cộng đồng trong hoạt động khai thác hải sản; nhân rộng mô hình quản lý tàu thuyền đánh cá, hình thành các HTX kiểu mới, các tổ, đội hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện. Mục tiêu đến năm 2020, 100% ngư dân tham gia các tổ hợp tác sản xuất trên biển. Đồng thời, có chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, hỗ trợ lãi suất, khuyến khích ngư dân nâng công suất tàu từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Tăng cường phục hồi, tái tạo quần thể đàn đối với các loài thủy sản ở các vùng nước tự nhiên./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com