Nhiều cơ hội cho xuất khẩu lao động năm 2013

09:02, 22/02/2013

Năm 2012, xuất khẩu lao động (XKLĐ) không đạt chỉ tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường XKLĐ trong năm 2013 được mở rộng, nhưng vẫn còn khó khăn khi thị trường Hàn Quốc (nước nhập khẩu nhiều lao động Việt Nam) vẫn bị đóng băng…

Khôi phục thị trường Hàn Quốc

Có thể nói, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng việc không hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ đề ra trong năm 2012. Tuy nhiên, không thể phủ nhận lao động Việt Nam ngoài những ưu điểm nổi bật, còn những hạn chế về tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, sức khoẻ đã chưa cạnh tranh được với các nước khác… Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… là những thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam. Đây cũng là những thị trường thu hút đông đảo người lao động tham gia bởi cho thu nhập cao mà khả năng tiếp nhận lao động nhiều, kể cả lao động phổ thông. Thế nhưng, thị trường Hàn Quốc hiện đang bị tắc vì phía bạn tạm dừng tiếp nhận lao động mới theo chương trình EPS. Trong năm 2013, nếu không thực hiện tốt việc hạn chế lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, theo như thoả thuận thì coi như thị trường này chính thức đóng cửa chương trình EPS với lao động Việt Nam. Hàn Quốc là thị trường đem lại thu nhập cao cho người lao động, bình quân khoảng 1.300 USD/tháng, chi phí thấp và hiện nay đang có hàng chục nghìn lao động đã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện làm việc, nhưng chưa thể sang Hàn Quốc do phía bạn đang tạm ngưng tiếp nhận.

Người lao động nghe phổ biến các quy định trước khi ra nước ngoài làm việc.
Người lao động nghe phổ biến các quy định
trước khi ra nước ngoài làm việc.
Ảnh: Internet.

Ông Phan Văn Minh, giám đốc trung tâm lao động ngoài nước, cho biết, hiện các đơn vị chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp chống bỏ trốn để sớm khôi phục lại thị trường XKLĐ Hàn Quốc. Trước mắt, ngoài vận động, tuyên truyền nhằm giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn, tới đây sẽ áp dụng các biện pháp tài chính để ràng buộc trách nhiệm của người lao động. Theo đó, mỗi năm làm việc người lao động được trợ cấp một tháng lương, thời gian gần 5 năm làm việc thì người lao động được trợ cấp tương đương 5.000USD. Thay vì việc người lao động được nhận tại Hàn Quốc, chúng tôi đã đề nghị khoản này sẽ nhận tại Việt Nam nếu người lao động về nước đúng thời hạn. Còn nếu người lao động không về nước đúng thời hạn thì khoản này sẽ được sung vào công quỹ. “Hy vọng với những nỗ lực của Việt Nam, trong năm 2013, Hàn Quốc sẽ bỏ lệnh dừng tuyển. Khi đó, khoảng 12.000-15.000 lao động sẽ có cơ hội đi làm việc tại thị trường này”, ông Minh cho biết.

Cơ hội cho nghề điều dưỡng

Khác với Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản đang mở rộng cửa đón lao động tay nghề cao của Việt Nam. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), phía Nhật Bản thông báo năm 2013-2014 sẽ tiếp nhận 180 ứng viên và hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo tiếng Nhật để đưa sang Nhật Bản vào mùa xuân 2015. Hiện tại, Nhật Bản đang thiếu hụt thường xuyên khoảng 50.000 điều dưỡng viên và kỳ vọng rất nhiều vào các ứng viên hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam. Các điều dưỡng viên sẽ tạm trú ở Nhật Bản ba năm và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện. Ứng viên hộ lý sẽ tạm trú ở Nhật Bản bốn năm và làm công việc hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khoẻ. Trong quá trình làm việc, lao động có thể học thêm để tham gia thi Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép làm việc dài hạn tại quốc gia này. Nếu trúng tuyển, lao động Việt Nam sang làm việc ở lĩnh vực này sẽ được trả lương bằng hoặc hơn mức lương của người Nhật làm công việc tương đương tại cùng cơ sở tiếp nhận. Cụ thể, lương trả cho lao động làm điều dưỡng từ 130.000-140.000 yên/tháng (tương đương 34-37 triệu đồng/tháng); lao động làm hộ lý sẽ được trả 140.000-150.000 yên/tháng) tương đương 37-40 triệu đồng/tháng).

Cùng với Nhật Bản, Đức cũng có nhu cầu tuyển điều dưỡng viên Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, năm nay Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tuyển dụng thí điểm và từng bước đưa người sang CHLB Đức làm việc. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á được tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) lựa chọn thí điểm đưa 100 điều dưỡng viên sang các cơ sở đào tạo của Đức học chương trình chăm sóc người già trong hai năm. Mọi chi phí đào tạo, ăn ở do phía Đức chi trả. Sau khi thi lấy chứng chỉ điều dưỡng, số lao động này sẽ làm việc trong các viện dưỡng lão của Đức trong ba năm, hưởng mức lương như người bản xứ, khoảng 1.800-2.000 euro/tháng (tương đương 50-55 triệu đồng/tháng)./.

Theo BHXHVN

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com