Đồng Nai: Nhu cầu lao động sau tết tăng cao

08:03, 02/03/2021

Sở LĐ-TB và XH tỉnh Đồng Nai vừa cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 40 nghìn lao động. Trong đó, Công ty TNHH Prowell  Việt Nam (Khu công nghiệp Long Khánh) đang có 5.000 lao động và cần tuyển hơn 3.000 công nhân lao động do đang mở rộng thêm xưởng sản xuất, Công ty TNHH Kowide Outdoor (Khu công nghiệp Suối Tre) cần tuyển thêm 300 công nhân là lao động phổ thông và một số lao động có trình độ chuyên môn. Để có thêm người lao động, nhiều công ty đưa chính sách thưởng và hỗ trợ chi phí cho công nhân, như Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) thưởng cho công nhân viên mới 2,4 triệu đồng/năm đầu tiên, thưởng 800 nghìn đồng/người khi giới thiệu người thân ứng tuyển vào công ty, người lao động được nhận tài khoản tiết kiệm 15,8 triệu đồng sau hợp đồng 3 năm. Hiện việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn và để kết nối doanh nghiệp với người lao động, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở các sàn giao dịch việc làm, tìm kiếm lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tiền Giang: Tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch 44 Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (SP OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch).

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể là: Củng cố các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2019-2020, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả kế hoạch, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng SP OCOP. Phát triển SP hàng hóa: Tiêu chuẩn hóa, nâng hạng, duy trì xếp hạng 200 SP. Phấn đấu đến năm 2025 có 100 SP đạt 3 sao, 90 SP đạt 4 sao và 10 SP đạt 5 sao (các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có SP OCOP). Phát triển sản phẩm dịch vụ, du lịch: Tiêu chuẩn hóa 5-7 điểm du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 3-4 sao. Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán SP OCOP trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý, điều hành thực hiện Chương trình. Thứ hai, làm tốt công tác truyền thông, tập huấn về Chương trình. Thứ ba, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Thứ tư, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Thứ năm, lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP. Thứ sáu, tổ chức đánh giá xếp hạng SP OCOP. Thứ bảy, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại. Thứ tám, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực hiện Chương trình./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com