CPI tháng 2-2021 có mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây

07:02, 28/02/2021

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 28-2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kết thúc chương trình hỗ trợ giá điện, tiền điện cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2-2021 trong 8 năm gần đây  và tăng 1,58% so với tháng 12-2020.

Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2-2021 chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2-2021 so với tháng trước, khu vực thành thị tăng 1,45%; khu vực nông thôn tăng 1,59%. Khu vực nông thôn có tốc độ tăng CPI cao hơn khu vực thành thị chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm điện sinh hoạt có mức tăng cao.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng 2-2021, có 10 nhóm tăng giá so với tháng trước và 1 nhóm giữ giá ổn định. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất với 4%; tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61% so với tháng trước; nhóm giao thông tăng 1,55%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,9%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%... Riêng nhóm giáo dục giá ổn định so với tháng trước.

Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI 2 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2021 tăng 8,72% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm 2 tháng đầu năm 2021 tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá thịt lợn tăng 0,71%, giá thịt bò tăng 2,64%...

Do dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước; giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giá gas tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm 2021; đó là giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 15,78% so với cùng kỳ năm trước và giá dầu hỏa bình quân 2 tháng giảm 21,64%.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước, bình quân 2 tháng đầu năm 2021, giá vé máy bay giảm 35,65%; giá vé tàu hỏa giảm 12,39%; giá du lịch trọn gói giảm 4,99%.

Cùng với đó, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19; trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020. Theo đó, giá điện tháng 1-2021 giảm 16,88% so với cùng kỳ năm trước làm cho giá điện sinh hoạt bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 9,95%./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com