Hà Nội: Mở rộng sản xuất nông sản sạch

08:08, 14/08/2020

Thành phố Hà Nội hiện có sáu vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đồng thời đang nỗ lực phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), cho ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Hiện Thủ đô có 164 mô hình nông nghiệp ƯDCNC (tăng 26 mô hình so với năm 2019), 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp (tăng hai mô hình so với năm trước), tiêu biểu như: Sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức; trồng rau thủy canh của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng... Giá trị sản phẩm ƯDCNC chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì, Phúc Thọ có giá trị thu nhập từ một đến hai tỷ đồng/ha/năm. Thực tiễn cho thấy, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được nâng lên. Các mô hình liên kết trong nông nghiệp giúp người dân yên tâm sản xuất và tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, bước đầu tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Tuyên Quang: Mở rộng diện tích rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế

Trong năm 2020, tỉnh Tuyên Quang dự kiến sẽ có thêm hơn 10 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC).

Trong đó, huyện Hàm Yên có hơn 2.400ha; huyện Yên Sơn có hơn 8.000ha. Qua đó, khai thác được tiềm năng, thế mạnh, giúp người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững.

Đây là một bước tiến trong sản xuất lâm nghiệp, xóa bỏ tình trạng trồng rừng theo kiểu nhận đất, xí phần, người dân đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.

Hải Dương: “Kích hoạt” hệ thống chống dịch COVID-19 toàn tỉnh

Ngày 12-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương họp khẩn triển khai các công việc cấp bách phòng, chống dịch sau khi CDC Hà Nội xác nhận ông V.D.B. (quê ở Bình Giang, làm việc ở thành phố Hải Dương) đã bị nhiễm COVID-19.

Tại cuộc họp, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh  khẳng định, Hải Dương đang ở trong tình trạng cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch COVID-19 đến tận thôn, khu dân cư.

Do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đang tạm dừng tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú đến khi có thông báo mới, Sở Y tế  Hải Dương đã yêu cầu các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã căn cứ phạm vi chuyên môn và tình trạng người bệnh để chuyển tuyến theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bệnh viện Quân y 7 và Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương bố trí giường tiếp nhận bệnh nhân tuyến dưới chuyển đến, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh thuộc tỉnh đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật tuyến dưới./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com