Ngày 11-5, UBND xã, phường, quận, huyện trên toàn thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai công tác tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đối với người lao động và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi phường, xã sẽ thành lập một tổ thẩm định hồ sơ và xác nhận đối tượng gồm cán bộ UBND, cán bộ chuyên trách theo dõi đối tượng, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, tổ dân phố... Đối với nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương và doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động UBND quận, huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa.
Sau khi Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, chậm nhất sau chín ngày sẽ tiến hành chi trả hỗ trợ cho người lao động. Theo khảo sát, Đà Nẵng có khoảng 58 nghìn người lao động được hỗ trợ theo diện của Chính phủ. Đến nay, đã có 310 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Dự kiến, thành phố sẽ chi hơn 200 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.
Hà Nội: Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu
Để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thành phố Hà Nội đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Trong năm 2020, dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của địa phương, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, thành phố phát triển các doanh nghiệp CNHT trên ba lĩnh vực chính là: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020 có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT, trong đó khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng hơn 12%.
Để đạt các mục tiêu này, thành phố tập trung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong nước và nước ngoài, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Thành phố còn hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT.
Hậu Giang: Hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất nông nghiệp
Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh Hậu Giang chủ trương khuyến khích hình thành các HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi khép kín bảo đảm chất lượng.
Tỉnh Hậu Giang có hơn 200 HTX, trong đó 175 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã thực hiện được chức năng định hướng, tổ chức hướng dẫn nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cùng tỉnh trong công tác xây dựng NTM. Tuy nhiên, phần lớn các HTX nông nghiệp hoạt động đạt lợi nhuận chưa cao, số lượng HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chưa nhiều. Trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các HTX tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đạt sản lượng lớn và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; Hậu Giang tiếp tục quan tâm phát triển các HTX thương mại, dịch vụ nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo, cải thiện môi trường./.
Theo nhandan.com.vn