Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam sẽ khánh thành ngày 24-12 tại Thành phố Đà Nẵng.
Bảo tàng văn hóa Phật giáo có diện tích khoảng 700m2, đặt tại tầng 2 của ngũ giác đài Sen Ngọc nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm (48 Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn).
Đây là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Các hiện vật mang phong cách không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả Ấn Độ. Nhiều chất liệu hay những cổ vật độc bản lần đầu tiên bắt gặp.
Pho tượng mang phong cách Champa độc đáo khi được làm bằng chất liệu sắt trưng bày tại Bảo tàng. |
Hơn 500 cổ vật Phật giáo, trong đó có hiện vật được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo.
Trong số 500 hiện vật được trưng bày, có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ. Đặc biệt, bảo tàng còn quy tụ nhiều cổ vật được người dân hiến tặng.
Tại bảo tàng, có nhiều cổ vật lần đầu tiên được đem ra trưng bày bao gồm nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu như gỗ, đồng, đá, ngọc, gốm...; nổi bật có bộ 8 tượng Phật Mật Tông, nhiều tượng Phật thời Chăm-pa với hình dáng đa dạng, bức tranh Đức Phật nhập Niết bàn...
Bình Định: Phát hiện mới về kinh đô vương triều Vijaya
Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vừa thông báo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Sau khi tổ chức khai quật trên diện tích 440m2 đã phát hiện 3 lớp kiến trúc chồng xếp lên nhau. Lớp kiến trúc thứ nhất là một đền thờ có mặt kiến trúc hình chữ nhật với diện tích 64,78m2, trung tâm nền kiến trúc là di tích hố thiêng liên quan đến nghi lễ Sima Bà-la-môn giáo. Đồng thời, cơ quan chức năng đã phát hiện một số di vật liên quan đến tôn giáo như kendi, cốc chân cao, lọ, bình gốm.
Xung quanh di tích ở bình diện thấp hơn nền, còn xuất hiện nhiều mảnh ngói, trong đó tỷ lệ ngói ống đáng kể cho thấy mái của kiến trúc được lợp bằng ngói âm dương, diềm mái lợp bằng ngói ống trang trí mặt hề hoặc mặt sư tử. Lớp kiến trúc thứ 2 có mặt bằng rộng hơn mặt bằng kiến trúc của lớp 1 về 4 hướng đông, tây, bắc, nam với diện tích 289,59m2, đã phát hiện một rãnh nước phía tây, 4 đoạn tường gạch và 3 nền lát gạch. Lớp kiến trúc thứ 3 là hệ thống hố sâu đào phá lớp kiến trúc 2 và chứa đầy gạch vỡ, gạch vụn như kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi trong kiến trúc Đại Việt.
Trong hố khai quật còn xác định được 8 hàng theo chiều bắc - nam và 8 hàng theo chiều đông - tây, đã xác định được 64 trụ móng gạch. Qua khai quật đã thu được 6.691 di vật như: Viên gạch vỡ, diềm ngói, mảnh ngói âm dương, chậu, bát, đĩa và 488 mảnh gốm Sa Huỳnh.
Từ 3 lớp khai quật trên, cũng như các di vật thu được và đối chiếu với nhiều tư liệu lịch sử, những lần khai quật trước đây, bước đầu cho kết luận di tích được phát hiện là di tích sớm nhất và có mặt bằng, chức năng là đền thờ.
Hầu hết các di vật thu được gồm nhiều vật liệu khác nhau như gạch, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt…; đồ đá là vật liệu kiến trúc, chày; vật liệu kim loại màu cho thấy đây là kiến trúc có quy mô lớn, xây dựng kiên cố và có tính chất kế thừa./.
Theo chinhphu.vn