Đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam (kỳ 3)

06:07, 07/07/2022

T.S Nguyễn Thắng Lợi

Chủ trương cải cách bộ máy nhà nước đông bộ với cải cách cơ chế quản lý kinh tế, phát triển kinh tế hàng hóa

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V, đồng chí cũng nêu rõ, chuyển sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, một vấn đề có tầm quan trọng quyết định là tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, trước hết đối với những bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ máy rất lớn, các bộ phận lại chồng chéo, chuyển sang cơ chế hạch toán, kinh doanh thì không phù hợp, đòi hỏi một bộ máy tương ứng: gọn, nhẹ, năng động, hướng vào năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Các Ủy viên Trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11/1986 - Ảnh tư liệu
Các Ủy viên Trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11/1986. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị Trung ương 9 (12-1985), đồng chí đã phân tích và chỉ rõ các sai lầm, khuyết điểm khi tách rời giữa xóa bỏ bao cấp với xóa bỏ tập trung quan liêu ngay trong từng bước; mất đồng bộ trong việc ra chủ trương mới với việc bố trí người thực hiện; cơ chế quản lý mới chưa được hình thành thì tiến hành đổi tiền nhằm quản lý tiền mặt theo kiểu tập trung quan liêu, mắc nhiều khuyết điểm, với ý muốn chủ quan muốn xóa ngay bao cấp, đã nhảy từ cực nọ sang cực kia.

Đồng thời, đồng chí nêu rõ quan điểm về việc tách chức năng quản lý hành chính ra khỏi chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh và làm rõ giới hạn của quản lý hành chính để bảo đảm cho chính quyền các cấp giữ vững quyền điều hành, kiểm soát nền kinh tế, bảo đảm luật pháp được thực thi... Theo đồng chí, Nhà nước quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, không nên can thiệp quá sâu vào quyền điều hành hoạt động sản xuất của các đơn vị cơ sở, mà hướng vào việc hình thành và hoàn chỉnh hệ thống các thể chế, chính sách, sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất và tạo ra một hành lang pháp lý, nhằm phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, kích thích sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế, tháo gỡ những ràng buộc, giải phóng các nguồn lực, phát huy các động lực, khơi dậy tiềm năng phát triển; đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, ngăn chặn các mặt trái có thể xuất hiện sau khi cơ chế mới hình thành.

Nhà nước cần nâng cao năng lực xử lý kịp thời các vấn đề vĩ mô cấp bách như lạm phát, suy thoái, khủng hoảng. Chuyển sang cơ chế quản lý mới đòi hỏi phải đổi mới nhận thức, quan niệm cũng như tổ chức và phương thức hoạt động. Nhà nước phải có một tầm nhìn bao quát, tổng thể các vấn đề cần giải quyết, có thể cân đối được những yêu cầu trái ngược nhau về các nguồn lực, nắm bắt được xu thế vận động của các khả năng, dự báo được triển vọng phát triển của tình hình trong tương lai.

Những quan điểm đổi mới tư duy kinh tế của đồng chí được cụ thể hóa (Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 26-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành 9 văn bản pháp quy, quy định tạm thời cho các đơn vị kinh tế được quyền tự chủ về kế hoạch, vật tư kỹ thuật, tài chính; về cơ chế kinh doanh; giá cả, lao động, tiền lương; tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ; nhập khẩu và thực hiện hợp đồng kinh tế), như một luồng gió mới tiếp thêm sức mạnh cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tạo ra niềm tin và triển vọng phát triến mới.

Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ, nước ta chưa trải qua nền sản xuất hàng hóa phát triển, còn đang ở trình độ sản xuất nhỏ, khép kín. Vì vậy, phải phát triển sản xuất hàng hóa; Nhà nước cần kiếm soát, chỉ đạo, định hướng sản xuất thông qua kế hoạch hóa, hệ thống chính sách, pháp luật. Sự kiểm soát, quản lý đó phải nhằm mục tiêu phát triển sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, giá thành ngày càng hạ, hàng hóa ngày càng trở nên phong phú, dồi dào, theo quỹ đạo đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí cho rằng, cần phải có thái độ đúng đắn đối với sản xuất hàng hóa và việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thị trường. Đó là mấu chốt của việc giải quyết khó khăn. Các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thế, tư bản tư nhân, có vị trí, vai trò khác nhau trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng có mục đích chung là làm cho dân giàu, nước mạnh, nên phải thay đổi những quan niệm, bỏ định kiến và sự phân biệt đối xử lâu nay.

Nhưng trong các cuộc họp vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-1986, khi thảo luận những vấn đề có ý kiến khác nhau về các quan điểm kinh tế, đồng chí bị phê phán gay gắt là "chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường", "say sưa với cơ chế thị trường", "bắt chước các quan điểm của nước ngoài", cho rằng phải "cẩn thận với những con ngựa thành Tơroa", "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh"...

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com