Đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam (kỳ 1)

06:06, 16/06/2022

T.S Nguyễn Thắng Lợi

Thời kỳ trước đổi mới, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang ngày càng trầm trọng, sản xuất trì trệ, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân thấp kém, tiêu cực xã hội gia tăng, đang thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng; tiêu cực trong nội bộ, ngăn sông cấm chợ, chia cắt thị trường làm cho giá cả ở mỗi nơi mỗi khác, không hình thành được thị trường thống nhất ngay trong từng khu vực, từng vùng, khiến cho tiền - hàng mất cân đối, cung cầu ngày càng căng thẳng, nhất là ở các trung tâm kinh tế như Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh đó, đồng chí Trường Chinh trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ năm 1981), là một trong những người đặt nền tảng, khởi xướng đường lối đổi mới ở nước ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Góp phần tạo nên bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng

Đồng chí đã nhận rõ, một trong những nguyên nhân là lĩnh vực tư tưởng lý luận bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận, do chậm tổng kết kinh nghiệm về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy công cuộc đổi mới là một cuộc cách mạng toàn diện của đất nước được khai mở từ đổi mới tư duy lý luận. Đồng chí chỉ rõ, phải chuyển hướng và đây là việc rất khó khăn, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp. Để tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng chí Trường Chinh đã nghiên cứu các vấn đề lý luận và khảo sát thực tế, tổng kết kinh nghiệm và sáng kiến của nhân dân.

Đồng chí quyết định thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhóm nghiên cứu (8 người) đã tập trung nghiên cứu lý luận, nhận thức lại các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ; về Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin và liên hệ, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, từ đó nhận thức một cách khách quan, toàn diện tình hình đất nước nhằm tìm cách thức thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Để sửa chữa những sai lầm trong phát triển kinh tế, đồng chí yêu cầu nghiên cứu lại các quan điểm kinh tế chính trị học Mác - Lênin, đó là giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ, là những vấn đề của sản xuất, gắn chặt với mọi khâu của quá trình sản xuất.

Về tư duy phương pháp luận, đồng chí chỉ rõ chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của dân. Đánh giá chính sách đúng hay sai, tốt hay xấu là phải nhìn ở chỗ đa số quần chúng nhân dân có phấn khởi, đồng tình, hăng hái thực hiện hay không. Với tư duy khoa học, biện chứng, đồng chí Trường Chinh nhận rõ sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, khắc phục tư tưởng vừa chủ quan, nóng vội, vừa bảo thủ, trì trệ; từng bước nêu những nhận thức mới về thời kỳ quá độ ở Việt Nam, về sự tất yếu "không thể bỏ qua phát triển sản xuất hàng hóa", đó là sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa, làm rõ khái niệm cơ chế thị trường,...

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 18-5-1986, đồng chí Trường Chinh cho rằng: trong quá trình đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, không thể không sử dụng các phạm trù sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, đòn bẩy kinh tế, quan hệ hàng hóa, tiền tệ, giá cả, thị trường... là những phạm trù chính trị - kinh tế học được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đúc kết và khái quát nên, thì tại sao lại không dùng được. Vấn đề là những phạm trù kinh tế ấy có phù hợp với điều kiện cụ thể, phản ánh được những quy luật kinh tế khách quan của nước ta hay không, chứ không phải là vấn đề bắt chước hay không bắt chước quan điểm của nước ngoài.

Những cống hiến lý luận đó thể hiện năng lực tư duy sáng tạo và sắc bén, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ với sự hiểu biết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com