Đồng chí Trường Chinh với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (kỳ 3)

06:05, 26/05/2022

(Tiếp theo)

TS. Đinh Thị Mai
TS. Đinh Nguyễn  An

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, đồng chí Trường Chinh đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở chi ra tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình của giai cấp công nhân và nhân dân trên toàn thế giới, chỉ ra những ảnh hưởng của điều kiện lịch sử trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai đối với cách mạng Việt Nam, Báo cáo đã chỉ ra cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp là một xã hội rất phức tạp và phát triển không đều, với những tính chất cơ bản sau: 1- Tính chất dân chủ nhân dân (ở vùng tự do); 2- Tính chất một phần thuộc địa (ở vùng bị tạm chiếm); 3- Tính chất nửa phong kiến (ở cả vùng bị tạm chiếm và vùng tự do). Ba tính chất này đấu tranh nhau, xen lẫn nhau, có khi chồng lên nhau, tùy theo tình hình cụ thể của cuộc kháng chiến và bước tiến triển của cách mạng mà chuyển dịch. Vì vậy, cần phải san phẳng tất cả những gì ngăn cản bước tiến của xã hội Việt Nam, giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam và những lực lượng phản động, khiến cho chế độ ấy phát triển mạnh mẽ và thuận chiều tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên, đối tượng của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc và thế lực phong kiến, trong đó kẻ thù chính là chủ nghĩa đế quốc xâm lược; kẻ thù phụ nói chung là đế quốc phong kiến, cụ thể là đế quốc phong kiến phản động. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là: Một là, đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập (phản đế) - đây là nhiệm vụ giải phóng dân tộc; hai là, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân (phản phong) - đây là nhiệm vụ dân chủ. Hai nhiệm vụ này khăng khít với nhau. Song, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn hiện tại là tập trung lực lượng kháng chiến để giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ phản phong nhất định phải làm đồng thời với nhiệm vụ phản đế, nhưng làm có kế hoạch, có từng bước, để vừa bồi dưỡng và phát triển được lực lượng cách mạng của nhân dân, vừa giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến, nhằm mau tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, hoàn thành giải phóng dân tộc. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng giai đoạn này, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ lực lượng cách mạng Việt Nam bao gồm: giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Động lực của cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân. Cuộc cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến do nhân dân tiến hành, trong đó, công - nông là động lực chủ yếu và do giai cấp công nhân lãnh đạo gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Căn cứ vào tình hình thế giới và tình hình trong nước, căn cứ vào nhiệm vụ và tính chất của cách mạng nước ta, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam nêu lên 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bao gồm: 1- Đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất; 2- Thi hành từng bước chính sách ruộng đất, tiến tới thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến và nửa phong kiến ở nước ta; 3- Xây dựng, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân về chính trị, kinh tế và văn hóa, chuẩn bị tiến lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa; 4- Củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc xâm lược; 5- Xây dựng và phát triển quân đội nhân dân; 6- Chính sách dân tộc; 7- Chính sách đối với tôn giáo; 8- Chính sách đối với vùng bị địch chiếm; 9- Chính sách đối với ngoại kiều; 10- Chính sách đối ngoại; 11- Ra sức ủng hộ cách mạng Campuchia và cách mạng Lào; 12- Tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc của nhân dân thế giới.

Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam là một văn kiện lịch sử quan trọng; thể hiện sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Bản báo cáo đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến, trong thời đại mới quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, ở một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất hàng nghìn năm chống ngoại xâm. Nó là kim chỉ nam cho những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ và phương hướng phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Nội dung cơ bản báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam được đúc kết trong Chính cương của Đảng Lao động được Đại hội lần thứ II của Đảng thông qua. Điều này cho thấy các văn kiện Đại hội lần thứ II của Đảng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là đồng chí Trường Chinh chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc và có chất lượng. Giá trị lý luận và thực tiễn của các văn kiện Đại hội lần thứ II của Đảng cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp chuẩn bị, tổ chức Đại hội của Tổng Bí thư Trường Chinh là rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.

Với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, đồng chí Trường Chinh không chỉ đóng góp sức lực và trí tuệ để chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội, mà còn vinh dự và tự hào được Đại hội tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Trên cương vị này, đồng chí Trường Chinh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Ôn lại những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, càng thêm tự hào và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí Trường Chinh, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com