Chiến tranh đã đi qua, nhưng với các cựu chiến binh (CCB) ký ức về một thời đạn bom, máu lửa, về những khó khăn, vất vả và hiểm nguy ngày ấy vẫn không thể xóa nhòa. Với quân y Vũ Ngọc Nhạn cũng vậy. Những tháng năm chống Mỹ cứu nước, ông đã tham gia và trực tiếp cứu sống, điều trị cho hàng trăm chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhạn, chi hội trưởng chi Hội Cựu chiến binh xóm 15, xã Liêm Hải (Trực Ninh). |
Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nhưng ký ức về những năm tháng bom rơi, đạn nổ vẫn còn đọng mãi trong lòng các CCB. Cứ đến ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), ông Vũ Ngọc Nhạn, chi hội trưởng chi Hội CCB xóm 15, xã Liêm Hải (Trực Ninh) lại cồn cào nhớ về đồng đội. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông Nhạn vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm ở chiến trường miền Nam năm xưa. Năm 1971, khi 18 tuổi Vũ Ngọc Nhạn từ giã quê hương lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 19, Tỉnh Đội Nam Hà. Năm 1972, ông tham gia chiến trường ở Đoàn 559 thuộc Đội cục xăng dầu 559 tuyến đường Trường Sơn - Lào - Căm-pu-chia. Tháng 8-1974, sau khi học tại Trường Trung cấp Quân y (Sơn Tây) ông được phân công nhiệm vụ ở tuyến hậu cần trạm quân y cấp cứu thương bệnh binh. Ông Nhạn nhớ lại: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, là y tá phụ trách cứu chữa, băng bó, rửa vết thương cho chiến sĩ ngay trên chiến trường. Trong những ngày chiến đấu ác liệt, ngày nào trạm quân y cũng phải cứu chữa cho hàng trăm chiến sĩ bị thương. Sau khi sơ cứu, những chiến sĩ bị thương được chuyển về tuyến sau. Ngày đó, khu điều trị là những đường hầm rộng 1,2m, khoảng 3m có 1 hàm ếch để cho thương binh nằm. Ngoài việc điều trị vết thương, ông Nhạn còn túc trực bên cạnh thương binh để động viên, làm chỗ dựa tinh thần cho các thương binh nặng. Có đêm ông và đồng đội thay nhau ngồi đến sáng cho thương binh dựa vào, tay giữ cho vai của bệnh nhân thẳng đứng để dễ thở. Có hôm cả ngày lẫn đêm gần như các y, bác sĩ không ngủ, chỉ thỉnh thoảng ngồi chợp mắt cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục công việc cứu chữa thương binh. Ngoài ra, những kỷ niệm ở chiến trường những cơn sốt rét rừng bất chợt ập tới khiến người bệnh nguy kịch, lạnh từ trong ra ngoài. Khi đó không có máy hút đờm, những chiến sĩ quân y như ông phải lót vải gạc rồi thò tay vào mồm bệnh nhân, trực tiếp “hút” ra. Mặc dù biết là sẽ bị lây nhiễm nhưng với những chiến sĩ quân y, việc lo lắng, bảo vệ thương binh còn hơn cả tính mạng bản thân. Họ luôn nỗ lực sáng tạo, tự lực thuốc men, dụng cụ y tế góp phần điều trị thành công các vết thương. Năm 1985, ông Nhạn được phục viên về quê hương. Những năm đầu đổi mới kinh tế gia đình hết sức khó khăn, các con còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học, cái nghèo bám lấy gia đình. Với nghị lực của người lính, không cam chịu đói nghèo, ông vay mượn người thân, anh em xây thêm chuồng trại trên diện tích đất vườn 100m2 để phát triển chăn nuôi và đi tham quan học tập các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả ở các địa phương. Chịu khó, cần cù, ông Nhạn đã dần dần vực dậy kinh tế gia đình, nuôi con cái học hành thành đạt. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của địa phương. Hiện, ông là chi hội trưởng chi hội CCB xóm 15. Ông Nhạn chia sẻ: “Là một người lính, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được phẩm chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là ý chí chịu đựng gian khổ, sự tận tâm với nhiệm vụ, công việc được giao”.
Nghị lực của CCB Vũ Ngọc Nhạn là tấm gương về phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vươn lên chiến thắng đói nghèo trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh