Cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1941-1945) - kỳ 2

06:02, 25/02/2021

PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất

(Tiếp theo)

Phát triển những nhận thức ban đầu của các Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và tháng 11-1940 về vấn đề khởi nghĩa vũ trang, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh và Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh thêm một bước khi khẳng định: "Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang" và phải xúc tiến ngay công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi. Đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện thời. Đảng phải chuẩn bị chu đáo về lực lượng để sẵn sàng khi thời cơ đến, có lợi cho cách mạng Đông Dương thắng lợi, "thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961.

Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Đặng Xuân Khu và Trung ương chủ trương gấp rút đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ công vận, nông vận, binh vận...; tăng thêm thành phần vô sản trong Đảng, coi vận động công nhân làm công việc đầu tiên trong tổ chức quần chúng của Đảng, làm cho phong trào công nhân lên cao và đi đầu cho các phong trào khác.

Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã kiện toàn ban lãnh đạo của Đảng; cử ra Ban Chấp hành Trung ương, bầu đồng chí Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư; bầu Ban Thường vụ gồm các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang).

Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã phát triển, hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc được đề ra ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939 và tháng 11-1940; đã phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa. Sự nhất trí giữa Quyền Tổng Bí thư của Đảng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở trong nước lúc đó với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mới ở nước ngoài về, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thành công của Hội nghị, nhất là với sự ra đời của Nghị quyết thay đổi chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc.

Nghị quyết Hội nghị là kết quả trí tuệ của toàn Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh. Trong điều kiện lúc đó, Hội nghị mang tính chất như một đại hội Đảng; Điều này cho thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư của Đảng không chỉ quan tâm tới sự thống nhất tư tưởng, đường lối mà còn cả vấn đề thống nhất và củng cố tổ chức của Đảng cũng như các hệ thống tổ chức chính trị xung quanh bộ thống soái tối cao của Đảng.

Tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo phát triển phong trào cách mạng trong toàn quốc

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng đã về xuôi để triển khai tổ chức phổ biến và thực hiện nghị quyết, xây dựng Mặt trận Việt Minh. Từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1944 và từ tháng 2 đến tháng 5-1945, trong thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vắng mặt ở trong nước, đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đã trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đưa "chính sách mới" của Đảng thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân, mở rộng Mặt trận Việt Minh, củng cố các an toàn khu (ATK), xây dựng các chiến khu, tổ chức lực lượng vũ trang và thành lập khu giải phóng.

Sau Hội nghị, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng theo chiều hướng có lợi cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Lực lượng Đồng minh giành nhiều thắng lợi to lớn trên các chiến trường, chuyển sang giai đoạn phản công bọn phát xít, phong trào chống phát xít và đấu tranh giải phóng dân tộc nổ ra mạnh mẽ trên thế giới.

Ở Đông Dương, mâu thuẫn Pháp - Nhật sâu sắc. Phong trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, phong trào còn chưa đều và chưa nâng cao được vị thế của giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng. Trước tình hình đó, từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Hà Nội ngày nay) để bàn và quyết định việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; củng cố Đảng về mọi phương diện và nhiều nội dung quan trọng khác.

Để khắc phục nhược điểm phong trào công nhân chưa mạnh và chưa rộng rãi, phong trào ở đô thị còn yếu so với phong trào ở nông thôn, Tổng Bí thư Trường Chinh và Thường vụ Trung ương đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể đẩy mạnh xây dựng lực lượng ở cả nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; nhấn mạnh yêu cầu toàn bộ công tác của Đảng lúc này phải nhằm vào chỗ chuẩn bị khởi nghĩa, để một khi cơ hội đến kịp thời đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu.

Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải làm cho Đảng được mạnh mẽ và bônsơvích hóa bằng cách: củng cố chi bộ trong nhà máy, xí nghiệp; chú trọng kết nạp đảng viên mới, cẩn trọng không để bọn mật thám và bọn cơ hội chui vào tổ chức; thanh lọc những phần tử cơ hội, biến chất ra khỏi Đảng...

Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943, do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì đã bổ sung và cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, sát hợp với diễn biến mới của thời cuộc, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng tiếp tục phát triển.

Trong thời gian này, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh còn có đóng góp thiết thực vào việc hình thành và lãnh đạo thực hiện đường lối văn hóa của Đảng; sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Các tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (năm 1943) được coi là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng của Việt Nam. Đồng thời, trên mặt trận báo chí, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo tổ chức ra mắt báo Cứu Quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh; báo Cờ Giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng và là cây bút chủ lực. Những bài báo quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh trên tờ Cờ Giải phóng và Cứu quốc đã truyền đi chủ trương, sách lược của Đảng và Mặt trận Việt Minh, vạch rõ tội ác man rợ của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với các tầng lớp nhân dân, cổ động nhân dân vùng lên đấu tranh chống Pháp - Nhật.

Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch bắt tù đày qua 13 nhà tù ở Trung Quốc (8-1942 đến tháng 10-1944), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh, những nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa đã được thực hiện chu đáo, toàn diện, sẵn sàng tiến lên khởi nghĩa giành độc lập cho Tổ quốc khi thời cơ đến.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com