Đồng chí Trường Chinh với Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (kỳ 2)

07:04, 22/04/2021

TS. Lê Thị Hiền

(Tiếp theo)

Hội nghị nhận định: Do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiền phong đang chuẩn bị khởi nghĩa, nên điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi. Nhưng cuộc đảo chính đã tạo ra khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng. Điều kiện đó là: chính trị khủng hoảng, nạn đói ghê gớm, chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt. Từ đó, Hội nghị xác định kẻ thù chính, cụ thể và trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật. Vì vậy khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật" được thay bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật". Hơn nữa để chống lại chính quyền thân Nhật, chỉ thị đưa ra khẩu hiệu "Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương". Hội nghị chủ trương: "Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa"; thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động đấu tranh và tổ chức cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa nhằm động viên mau chóng quần chúng lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền; thống nhất các chiến khu, thành lập Việt Nam giải phóng quân, tổ chức ủy ban quân sự cách mạng, thành lập ủy ban nhân dân cách mạng ở những vùng quân du kích hoạt động, phát động du kích chiến ở những nơi có địa thế, địa hình thuận lợi và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện thành lập ủy ban nhân dân cách mạng Việt Nam theo hình thức như một Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ phải sẵn sàng hưởng ứng và có hành động thích hợp khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật và việc "chuẩn bị hưởng ứng quân Đồng minh một cách tích cực" là "ngay bây giờ phát động du kích, chiếm căn cứ địa, duy trì và mở rộng chiến tranh du kích, phải là phương pháp duy nhất của dân tộc ta để đóng vai trò chủ động trong việc đánh đuổi quân ăn cướp Nhật Bản ra khỏi nước". Hội nghị dự kiến khả năng khách quan làm cho tổng khởi nghĩa có thể nổ ra thắng lợi và nhấn mạnh: không được ỷ lại và tự bó tay mình khi tình thế biến chuyển thuận lợi.

Sau hội nghị, đồng chí Trường Chinh về ngay cơ sở ở Viên Nội (Đông Anh) trong An toàn khu Trung ương để hoàn chỉnh bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, chỉ thị việc in ấn và chuyển bản Chỉ thị tới các xứ ủy, tỉnh ủy theo hệ thống giao liên "song hành", "biệt lập" được chính Tổng Bí thư tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học, an toàn.

Phương châm của Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta cũng được đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: không được trông chờ vào điều kiện khách quan, mà phải luôn giữ quyền chủ động trong các cuộc tác chiến. Ngay từ bây giờ phát động du kích chiếm căn cứ địa, duy trì và mở rộng chiến tranh du kích là phương pháp duy nhất để chủ động trong việc đánh đuổi quân Nhật ra khỏi đất nước.

Tóm lại, Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta là kim chỉ nam cho mọi hành động của các cơ sở Đảng và quần chúng nhân dân trong cao trào kháng Nhật cứu nước. Đồng thời, nó là văn kiện có ý nghĩa chỉ đạo cụ thể thúc đẩy tình thế cách mạng chín muồi, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh cách mạng, nhanh chóng dấy lên cao trào kháng Nhật, cứu nước, kịp thời nắm bắt thời cơ tiến tới tổng khỏi nghĩa, dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

Với tư duy biện chứng xuất sắc, Tổng Bí thư Trường Chinh đã biết chớp thời cơ có một không hai, chuyển hướng giành thế chủ động về phía mình. Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" chính là phát súng mở đầu cho cuộc cách mạng rung chuyển toàn cõi Việt Nam.

Hình ảnh đồng chí Trường Chinh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của dân tộc ta. Tấm gương của đồng chí luôn cổ vũ, động viên chúng ta trong cuộc trường chinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com