Cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1941-1945) - kỳ 3

06:03, 11/03/2021

PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất

(Tiếp theo)

Cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cao trào kháng Nhật, cứu nước, gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa toàn quốc

Từ đầu năm 1943 đến đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết định. Hồng quân Liên Xô quét sạch phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ của mình và tiến như vũ bão về phía Béclin. Ở mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật lâm vào tình trạng nguy khốn. Thực dân Pháp ở Đông Dương hoạt động ráo riết chờ quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương sẽ nổi lên đánh Nhật, khôi phục lại quyền thống trị của chúng. Để trừ mối nguy cơ từ phía Pháp và độc chiếm Đông Dương, tối ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp.

Âm mưu này của phát xít Nhật đã được Tổng Bí thư Trường Chinh dự đoán từ trước (trong bài báo "Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ" (28-9-1944). Vì thế, ngay đêm Nhật đảo chính Pháp, Tổng Bí thư Trường Chinh đã triệu tập Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (từ tối ngày 9-3-1945) tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959.

Hội nghị nhận định: Cuộc đảo chính sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Kẻ thù chính trước mắt của nhân dân Đông Dương sau cuộc đảo chính là phát xít Nhật. Vì vậy, khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật" được thay bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật".

Về tình thế cách mạng, Hội nghị nhận định: Những điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, nhưng "Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi", đó là: Chính trị khủng hoảng; nạn đói ghê gớm; chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt. Hội nghị dự kiến những thời cơ cụ thể để phát động tổng khởi nghĩa và chỉ rõ: việc quân Đồng minh vào Đông Dương không phải là thời cơ tổng khởi nghĩa duy nhất, mà tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi khi "cách mạng Nhật bùng nổ, và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi".

Từ những nhận định trên, Hội nghị quyết định: "Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa". Những quyết định sáng suốt của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thể hiện sự kịp thời và sáng tạo trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư và Đảng ta trước các diễn biến nhanh chóng của thời cuộc, soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa. Nội dung hội nghị quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và hoàn chỉnh. Chỉ thị là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân tiến hành cao trào kháng Nhật, cứu nước, gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa toàn quốc. Thực tế lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc đã minh chứng, do thấm nhuần các nghị quyết của Đảng, nhất là Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", đồng thời căn cứ tình hình thực tế ở địa phương sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, các địa phương đã tiến hành khởi nghĩa một cách kịp thời, chủ động.

Tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc thông báo Người đã về nước và chỉ rõ: "Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!". Từ tháng 2 đến tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, công việc chỉ đạo toàn Đảng chuẩn bị tổng khởi nghĩa do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh tiếp tục chịu trách nhiệm thực hiện.

Để chỉ đạo Mặt trận Việt Minh phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, ngày 25-3-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh có bài "Cuộc "đảo chính" của Nhật ở Đông Dương" đăng trên báo Cờ Giải phóng, hướng dẫn tổ chức thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" cùng với bài báo của Tổng Bí thư đã thổi bùng lên cao trào kháng Nhật, cứu nước. Khẩu hiệu "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói" đã giải quyết đúng, giải quyết trúng mâu thuẫn gay gắt trong đời sống xã hội lúc đó, dấy lên một phong trào cách mạng rộng lớn, đưa hàng triệu quần chúng lên trận tuyến đấu tranh giành chính quyền.

Trong bối cảnh và những nhiệm vụ cách mạng cần kíp, từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Đây là Hội nghị đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này là về quân sự; đánh dấu một bước phát triển mới của tư tưởng quân sự của Đảng để khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh vũ trang, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng; đồng thời quyết định rất nhiều vấn đề chính trị như vấn đề thành lập các ủy ban dân tộc giải phóng, cách thức tiến hành và tổ chức chính phủ lâm thời; vấn đề Mặt trận; vấn đề ruộng đất; vấn đề cán bộ... Đó là sự tiếp tục chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, toàn diện cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Từ giữa năm 1945 đến những ngày mùa thu tháng tám 1945, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ động nắm chắc thời cơ, thúc đẩy những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước giành chính quyền thắng lợi. Thực tiễn tiến trình đấu tranh cách mạng giai đoạn 1941-1945 đã cho thấy, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và Trung ương Đảng đã kịp thời quyết định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như mối quan hệ giữa mục tiêu lâu dài với mục tiêu trước mắt, dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong lịch sử dân tộc.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com