Phố Nguyễn Thiếp rộng 6,5m, dài 179m, có địa giới từ phố Trần Khánh Dư đến phố Chu Văn An, thuộc Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định).
Nguyễn Thiếp (1723-1804), quê làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là danh sĩ nổi tiếng, có nhiều tên hiệu, trong đó tên được nhắc đến nhiều nhất là La Sơn phu tử. Năm 1743, sau khi đỗ Hương cống, ông được Chúa Trịnh Doanh bổ làm Huấn đạo (chức quan trông coi việc học) ở Anh Đô (phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Sau đó ông được bổ làm Tri huyện Thanh Giang (nay là huyện Thanh Chương, Nghệ An). Buồn nản vì cảnh mục ruỗng của triều đình, sự đen bạc của nhân tình thế thái, năm Mậu Tý 1768, ông từ quan về núi Thiên Nhẫn quê nhà để sống cuộc đời thanh bạch của bậc ẩn cư. Trân trọng tài năng của Nguyễn Thiếp, năm 1786 Nguyễn Huệ nhiều lần cử quan cao cấp tới mời, sau lại tự mình đến gặp Nguyễn Thiếp. Cảm động trước sự ân tình đó, Nguyễn Thiếp đã dốc lòng vì Quang Trung Nguyễn Huệ, vì sự nghiệp cao cả của Tây Sơn. Ông có công lớn giúp Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789. Nguyễn Thiếp được Vua Quang Trung tin cậy, giao làm Viện trưởng Viện Sùng Chính trông coi về giáo dục và phụ trách việc dịch các tác phẩm kinh điển và giáo khoa của nho gia ra chữ Nôm. Ông còn được Vua Quang Trung giao đảm nhận chọn nơi đóng đô trên đất Nghệ An ở khoảng giữa núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng, được đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành dở dang thì Vua Quang Trung đột ngột qua đời. Vì thế, Phượng Hoàng Trung Đô chưa bao giờ thực sự là kinh đô cả. Ngày nay, Phượng Hoàng Trung Đô vẫn còn một số những dấu tích. Nhiều thư tịch cổ còn cho biết, Nguyễn Thiếp còn có nhiều ý kiến xuất sắc, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những cải cách kinh tế của Vua Quang Trung./.
Minh Tân