[links()]
Ở biên giới phía bắc, hơn 3.500 tàn quân Pháp chạy trốn quân Đồng minh sang Hoa Nam đang âm mưu tái chiếm Đông Dương, quay lại chiếm đóng Lai Châu, giúp đỡ bọn phỉ Đèo Văn Long nổi lên gây rối tại huyện Phong Thổ. Một số thanh niên Nam Định đã tham gia vào Chi đội Hà Nam đi Tây Tiến. Tháng 12-1945, chi đội này đã hành quân tới Sơn La.
Trước âm mưu và hành động xâm lược trắng trợn của các thế lực bên ngoài và hoạt động phá hoại của các đảng phái phản động tay sai của chúng, Đảng bộ Nam Định đã hết sức coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương. Phong trào quần chúng tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí, bảo vệ Tổ quốc đã thu hút nhiều thanh niên cả lương lẫn giáo trong công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động. Từ xã đến huyện đều có đơn vị tự vệ lưu động; thành phố Nam Định có bốn đại đội tự vệ. Tỉnh hội Phật giáo Cứu quốc cũng tổ chức được một trung đội tự vệ gồm những nhà sư trẻ tham gia.
Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) |
Việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung cũng được coi trọng. Từ một chi đội giải phóng quân (Chi đội 19) trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng bộ Nam Định đã tăng cường cán bộ lãnh đạo và phát triển lực lượng, biên chế thành nhiều đơn vị chiến đấu. Tháng 2-1946, tổ chức thêm một đại đội Quyết tử quân. Sau đó hai đơn vị này hợp nhất và đổi tên là Vệ quốc đoàn và tiếp đó đã xây dựng thành Trung đoàn 19, gồm 3 tiểu đoàn (75, 69, 101) và đại đội trợ chiến. Các chiến sĩ trong Trung đoàn đa số là những hội viên ưu tú trong các đoàn thể cứu quốc và một số binh sĩ cũ được giác ngộ. Riêng Tiểu đoàn 75, hầu hết là lực lượng tự vệ Nhà máy sợi.
Bộ Quốc phòng và Khu uỷ khu II thành lập Trung đoàn chủ lực của khu mang tên Trung đoàn 33. Sau đó, Trung đoàn 33 đổi thành Trung đoàn 34 do đồng chí Cao Xuân Hổ làm Trung đoàn trưỏng, Hà Kế Tấn làm chính trị viên, Tùng Giang phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị. Trung đoàn 34 là đơn vị bộ đội chủ lực của khu II phụ trách Mặt trận Hà - Nam - Ninh, nhưng hoạt động chủ yếu là địa bàn Nam Định, sở chỉ huy của Trung đoàn đặt tại nhà Vạn Bảo.
Để đảm bảo điều kiện hoạt động cho lực lượng vũ trang tập trung và lực lượng dân quân du kích, Đảng bộ đã vận động nhân dân xây dựng quỹ quốc phòng, phát động nông dân ủng hộ mỗi mẫu ruộng 2 kg thóc. Huyện Vụ Bản đã góp được 144 tạ gạo, 4.536 đồng, mua 2.700 tờ công phiếu kháng chiến loại 200 đồng trở lên. Hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ đã đóng vào quỹ quốc phòng trên 110 tấn thóc.
Nhằm nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng, Đảng bộ Nam Định không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Số đảng viên trong lực lượng vũ trang đã lên tới 50 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 20% trong tổng số đảng viên toàn Đảng bộ. Một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh được cử sang trực tiếp chỉ huy cấp trung đoàn, Cấp tiểu đoàn, đại đội và làm chính trị viên từ cấp trung đội trở lên.
Do yêu cầu huấn luyện quân sự và chỉ huy tác chiến, địa phương đã mạnh dạn sử dụng một số sĩ quan trước đây đã ở trong quân đội Pháp, Nhật được giác ngộ phụ trách một số đơn vị. Mặt khác, tỉnh còn cử đảng viên và quần chúng tốt đi học các trường, lớp quân sự. Nhiều lớp quân sự ngắn ngày được tổ chức ở các khu (liên xã) hoặc liên huyện như Trường Huấn luyện Quân sự liên khu Mỹ Lộc - Bình Lục.
Nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu vũ khí, chính quyền vẫn dành một số kinh phí lo việc mua sắm mà chủ yếu mua của quân Tưởng, bước đầu trang bị cho các đơn vị Vệ quốc đoàn; phát động trong toàn dân phong trào Tự trang bị vũ khí, Tự sản xuất vũ khí thô sơ. Để có vũ khí tự trang bị, lực lượng tự vệ các xã Hoàng Hữu Nam, Minh Châu, Bắc Sơn, Vĩnh Thịnh có sự hỗ trợ của bộ đội huyện Nghĩa Hưng đã phục kích đánh chiếm 4 thuyền chở vũ khí, quân trang của lính Nhật khi chúng đi qua Hải Lạng. Quân dân huyện Hải Hậu bắt giữ 1 thuyền chở 13 lính Nhật khi chúng chạy trốn quân Đồng minh, tịch thu 4 đại liên, 1 khẩu cối 60mm và một số súng trường, súng ngắn, đạn dược. Theo lệnh của Khu uỷ, số vũ khí này đã giao cho các đơn vị Chi đội 19, một số cho Liên khu và công binh xưởng của tỉnh nghiên cứu, tu chỉnh. Ngoài ra Đảng bộ chỉ đạo thành lập xưỏng sửa chữa vũ khí (sau này gọi là Công binh xưởng tỉnh) và đã sản xuất được lựu đạn, mìn.
Song song với công tác huấn luyện kỹ chiến thuật và trang bị quân sự cho lực lượng vũ trang, Đảng bộ rất chú trọng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, tinh thần chiến đấu và kỷ luật tự giác cho bộ đội. Nhờ đó lực lượng vũ trang ở Nam Định đã trở thành nòng cốt trong việc bảo vệ chính quyền cách mạng và sẵn sàng đối phó với mọi tình thế.
Cơ quan liêm phóng và bộ máy công an từ tỉnh xuống các quận, các đồn được thiết lập. Công tác trấn áp bọn phản cách mạng, duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng được chấn chỉnh. Song việc tuyển lựa cán bộ sang ngành an ninh, công an và tư pháp còn nặng về tiêu chuẩn trình độ học vấn, nhẹ về tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, lại thiếu biện pháp giáo dục, kiểm tra nên đã gây ra nhiều khó khăn mà sau này phải tiếp tục khắc phục.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ ngày càng được tăng cường trên các lĩnh vực, kể cả khi Đảng tuyên bố tự giải tán.
Trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Ban lãnh đạo Nam Định chỉ có Ban cán sự Đảng tỉnh do cấp trên chỉ định. Đến tháng 7-1946, Trung ương Đảng ra Quyết định thành lập Ban Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định, gồm bảy uỷ viên, do đồng chí Nguyễn Lam làm Bí thư. Để thống nhất hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh trở xuống, tháng 2-1947 Ban Tỉnh uỷ Nam Định quyết định thành lập các Ban Huyện uỷ lâm thời. Đảng bộ Nam Định từ vài ba chục đảng viên, đến cuối năm 1946 số lượng đã lên 270 đồng chí. Các chi bộ trong các cơ quan tỉnh, huyện được xây dựng. Những chức vụ chủ chốt từ tỉnh đến huyện đều do đảng viên đảm nhiệm.
(Còn nữa)