Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 3

09:01, 01/01/2015

[links()]

    Để tập trung lực lượng nhằm quật ngã kẻ thù nguy hiểm nhất, đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng ta chủ trương lập Mặt trận dân tộc thống nhất, mở rộng Việt Minh bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng kéo địa chủ phong kiến và đồng bào công giáo để chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhân dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I năm 1946.
Nhân dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I năm 1946.

    Nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân lúc này là: "Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân". Muốn làm tròn các nhiệm vụ trên, Trung ương Đảng yêu cầu các cấp bộ Đảng: phải tích cực phát triển Đảng, mở rộng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về các mặt chính quyền, mặt trận, quân sự...

    Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ Nam Định đã đề ra một số nhiệm vụ trước mắt lúc này là:

    Xây dựng, củng cố và kiện toàn chính quyền các cấp; xây dựng và mở rộng Mặt trận Việt Minh, thu hút mọi tầng lớp nhân dân vào Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược.

    Khẩn trương giải quyết nạn đói, tích cực chống giặc dốt; ra sức cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; vận động quần chúng hăng hái thực hiện đời sống mới.

    Trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng, bọn đảng phái phản động và những phần tử làm tay sai cho đế quốc phá hoại cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh.

    Đối với quân đội Tưởng Giới Thạch, đưa ra khẩu hiệu "Hoa - Việt thân thiện" để thực hiện sách lược hoà hoãn, giáo dục quần chúng đề cao cảnh giác, phá âm mưu đen tối của chúng; sử dụng áp lực của quần chúng kết hợp với chức năng của chính quyền cách mạng, nhằm ngăn chặn kịp thời những hành động vi phạm chủ quyền dân tộc.

    Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, mở rộng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực công tác.

    Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Còn chính quyền là còn tất cả. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là dồn toàn lực vào việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân trước sự tấn công điên cuồng của những kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh, tàn ác và nguy hiểm.

    Ngay sau khi chính quyền đã về tay nhân dân, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời các cấp đã tuyên bố xoá bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền và tổ chức chính trị của chế độ thực dân, phong kiến từ tỉnh đến xã. Đồng thời lực lượng vũ trang cách mạng đã giải tán sở mật thám, sở cảnh sát; truy bức những tên mật thám, tay sai cho Nhật, Pháp có nhiều nợ máu với nhân dân. Ty liêm phóng và lực lượng trật tự được thành lập làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ máy cường hào ở nông thôn nhanh chóng bị xoá bỏ, tất cả các con dấu, giấy tờ, sổ sách của các tổ chức đó bị tịch thu. Đảng bộ đã tổ chức một cuộc tuần hành thị uy của lực lượng vũ trang và nửa vũ trang toàn tỉnh ở thành phố để biểu dương lực lượng, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng. Lực lượng liêm phóng phối hợp với lực lượng trật tự phát hiện và triệt phá trụ sở bí mật của bọn Việt Nam Quốc dân Đảng ở phố Trần Hưng Đạo - thành phố Nam Định, thu nhiều tài liệu phản động. Chính quyền cách mạng thực hiện quốc hữu hoá một số cơ sở kinh tế nhằm phục vụ lợi ích công cộng của nhân dân như Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Bưu điện, Kho bạc, Thuỷ nông, Công chính. Trong khi kiên quyết đập tan bộ máy đàn áp, kìm kẹp của đế quốc và phong kiến, chính quyền cách mạng vẫn sử dụng nhũng nhân viên thuộc chính quyền cũ. Đảng bộ Nam Định đã hai lần mở rộng thành phần uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời, rút một số uỷ viên của Mặt trận Việt Minh trong chính quyền các cấp và mời thêm một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ tham gia trên nguyên tắc Đảng vẫn giữ nguyên quyền lãnh đạo, uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời các cấp đổi thành uỷ ban hành chính.

    Chấp hành sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Đảng bộ Nam Định tiến hành đợt tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp rất sôi nổi. Từ cuối năm 1945, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày hội lớn của dân tộc được phát động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Khí thế cách mạng bừng lên trong các nhà máy, trên đồng ruộng. Càng gần đến ngày bầu cử, các hoạt động cổ động tuyên truyền càng nhộn nhịp. Khắp các ngả đưòng, nơi công cộng, đình chùa lớn, các địa điểm dự định đặt hòm phiếu đều treo cờ, căng khẩu hiệu nổi bật các dòng chữ Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Tất cả cử tri hãy đến nơi bỏ phiếu!

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com