Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 1

07:12, 25/12/2014

[links()]

    Hơn 80 năm đất nước đắm chìm trong chế độ đô hộ của thực dân Pháp, nước mất, nhà tan, nhân dân phải chịu bao cơ cực, tủi nhục, sống kiếp nô lệ, Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự vùng lên muôn người như một của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước đến đài độc lập, dân tộc tự do, nhân dân lao động từ người nô lệ thành người làm chủ Tổ quốc mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là mốc son chói lọi, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên mới.

    Nhưng nhiều khó khăn đã ập tới. Thù trong giặc ngoài đe doạ. Tình hình đất nước ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc.

    Mùa lũ năm 1945, nước sông Hồng lên to, nhiều đoạn đê vỡ gây lụt lớn cho chín tỉnh miền Bắc, cuốn đi mùa màng và tài sản của hàng triệu con người. Tiếp đó lại đến hạn hán, 50% ruộng đất không cày cấy được. Đời sống của nhân dân ta vốn đã lao đao bởi nạn đói Ầt Dậu thì nay nguy cơ nạn đói có khả năng lại tái diễn. Nền kinh tế của đất nước kiệt quệ, sản xuất công nghiệp đình đốn, hàng vạn công nhân không có việc làm. Ngoại thương bế tắc, hàng hoá khan hiếm, giá cả trôi nổi không kiểm soát được. Nền tài chính càng khó khăn hơn vì Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản Pháp, còn khả năng khống chế mọi hoạt động của Ngân khố nước ta...

    Giữa lúc đó, các thế lực đế quốc núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh để tước vũ khí quân đội Nhật, cùng tràn vào từ hai đầu đất nước. Ở miền Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở ra là 20 vạn quân đội Tưởng kéo theo bọn Việt Quốc, Việt Cách - tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài. Âm mưu của chúng vào Việt Nam được bộc lộ rõ là "phá Minh, diệt Cộng, cầm Hồ" (phá tan Việt Minh, tiêu diệt Đảng Cộng sản và bắt giam Hồ Chí Minh), ở miền Nam có quân đội Anh và sau lưng chúng là quân đội xâm lược Pháp với xe tăng, đại bác, súng ống đầy đủ. Âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp được thể hiện rõ trong bản tuyên bố ngày 23-8-1945 của Đò Gôn: "Đông Dương vẫn là thuộc địa của Pháp, Liên bang Đông Dương sẽ có một chính phủ do một viên Cao uỷ Pháp cầm đầu và gần như một số Bộ trưởng người Pháp và người bản xứ...". Chỉ vài ngày sau khi quân Đồng minh kéo vào, ngày 23-9-1945 thực dân Pháp trắng trợn nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu âm mưu xâm lược nước ta lần thứ hai. Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều kẻ thù như vậy.

    Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời, việc quản lý và xây dựng đất nước hoàn toàn mới mẻ. Lực lượng vũ trang cách mạng tuy có lòng nhiệt tình yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc nhưng vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu còn thiếu. Nước ta chưa được một nước nào trên thế giới công nhận. Vận mệnh dân tộc đặt lên vai mỗi người dân Việt Nam lúc này là độc lập hay nô lệ? Chính quyền nhân dân tồn tại hay bị thủ tiêu?

    Nằm trong hoàn cảnh chung của cả nước, sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Đảng bộ và nhân dân Nam Định cũng phải đối phó với nhiều khó khăn phức tạp.

    Về kinh tế, mọi ngành sản xuất đều sút kém, đình đốn. Sản xuất nông nghiệp suy giảm, độc canh cây lúa, ruộng đất hoang hoá quá nhiều. Nạn đói tháng 3-1945 đã cướp đi 20 vạn đồng bào trong tỉnh. Những người sống sót sức khoẻ giảm sút, bệnh tật nhiều, thiếu lương ăn, thiếu ruộng đất hoặc không có ruộng cày cấy do bị địa chủ tước đoạt hoặc phải cầm cố. Ngành công nghiệp, thủ công nghiệp gần như đình trệ. Một số xí nghiệp của tư bản như Nhà máy chai, Nhà máy chiếu, Nhà máy rượu không hoạt động. Nhà máy sợi - một xí nghiệp liên hiệp sợi - vải lớn nhất Đông Dương (số công nhân có thời kỳ tập trung tới 13.000 người), do thiếu nguyên liệu và bị tàn phá, lúc này chỉ còn 2.000 công nhân sản xuất cầm chừng. Hàng ngàn khung cửi dệt tay, trước đây nhân dân thường mua sợi của Nhà máy sợi để dệt nay cũng ngừng hẳn. Hàng vạn công nhân, thợ thủ công và dân nghèo thành thị không có việc làm, đời sống rất cơ cực, bấp bênh. Hàng hoá khan hiếm, nạn đầu cơ tích trữ phát triển.

    Về tài chính, ngân quỹ, kho bạc nói chung không còn gì. Cả nước cũng chỉ có 2 triệu đồng tiền Đông Dương mà chủ yếu là loại 500 đồng đã cũ, nát. Ngày 23-9-1945, chủ Ngân hàng Đông Dương giở mặt không chịu xuất tiền cho ngân khố của ta, trắng trợn vi phạm giao kèo đã ký. Ngày 17-11-1945, chúng lại tuyên bố huỷ bỏ loại giấy bạc 500 đồng, định vỗ nợ, cướp không công sức của nhân dân ta, hòng làm rối loạn nền tài chính mới phôi thai của ta.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com