Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 4

06:01, 06/01/2015

[links()]

    Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, phụ lão ở khắp các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cho cử tri tìm hiểu về trách nhiệm, quyền hạn của cử tri, giới thiệu tiểu sử các ứng cử viên, nhất là những người yêu nước do Mặt trận giới thiệu. Một số nơi có sáng kiến xếp các tên ứng cử viên theo vần để bà con dễ đọc, dễ nhớ:

''Khiêm, Thiều, Trọng, Tuệ, Tín, Anh
Sắc, Đoan, Đức, Trác, Mẫn, Thành, Trứ, Trân
Những người yêu nước thương dân
Thêm: Âu, xin cũng một phần chớ quên" .

    Tất cả các xã trong tỉnh đều tổ chức mít tinh, phát thanh lưu động bằng loa, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hô hào quần chúng nhân dân hăng hái đi bỏ phiếu; dựng cổng chào, niêm yết danh sách cử tri và ứng cử viên.

    Theo quy định, tỉnh Nam Định tổ chức thành hai đơn vị bầu cử: đơn vị các huyện bầu 15 đại biểu, đơn vị thành phố Nam Định bầu hai đại biểu.

    Đi ngược lại nguyện vọng của quần chúng, bọn địa chủ cường hào, các đảng phái phản động, nhất là bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo ở các địa phương đã tìm mọi cách phá bầu cử, nhất là bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã. Chúng gièm pha những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu và đưa người của chúng ra tranh cử. Ở thành phố chúng cổ động, hô hào cử tri bỏ phiếu cho chúng. Có nơi chúng còn đưa người vào ban bầu cử và có những hành động gian lận phiếu bầu để người của chúng đắc cử.

Ngày 5-1-1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Ngày 5-1-1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I.

    Do hành động phá hoại kể trên, ở một số nơi phong trào yếu, công việc bầu cử cũng gặp một số khó khăn. Song, do công tác chuẩn bị của Đảng bộ chu đáo, lại được đông đảo quần chúng hết lòng ủng hộ nên cuộc bầu cử vẫn diễn ra sôi nổi và thắng lợi.

    Trong ngày bầu cử Quốc hội, gần 100% số cử tri đã đi bỏ phiếu và trong số 36 vạn cử tri đi bầu thì 33 vạn cử tri đã bỏ phiếu tín nhiệm những ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu. Trong danh sách của tỉnh Nam Định có 82 vị ứng cử, đã có 17 vị trúng cử, gồm các ông: Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Trân, Đặng Xuân Thiều, Bùi Đình Khiêm, Hồ Đức Thành, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Bùi Xuân Mẫn, Vũ Đức Âu, Đặng Châu Tuệ, Đinh Khắc Anh, Vũ Xuân Sắc, Lê Trọng Nghĩa...

Giữa lúc toàn Đảng bộ và quân dân đang hăng hái thực hiện chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng và tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp thì một tin vui lớn đã đến với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định.

    Chiều ngày 10-1-1946, tại trụ sở uỷ ban hành chính tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân, đại biểu các tôn giáo và cán bộ các ngành, giới trong tỉnh. Bảy giờ sáng ngày 11-1-1946, trước hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân mít tinh trước trụ sở uỷ ban hành chính tỉnh, Bác đã ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Chính phủ.

    Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm và thân mật chia quà cho các cháu đại diện cho thiếu nhi thành phố Nam Định. Trong thời gian ở Nam Định, Bác còn đến thăm và cho quà các cháu mồ côi đang nuôi dưỡng ở Nhà tế bần và Nhà dục anh.

    Những lời chỉ bảo ân cần của Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc và cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Nam Định đoàn kết, phấn đấu, khắc phục những khó khăn trở ngại để tiếp tục đi lên trong giai đoạn cách mạng mới.

    Trong không khí phấn khởi đó, ngày 20-1-1946 các cử tri Nam Định lại nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

    Đến ngày 18-3-1946, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã được tiến hành, song thực chất là một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt ở nông thôn. Giai cấp nông dân, chủ yếu là bần, cố nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã biểu thị ý chí cách mạng, cương quyết giữ vững và củng cố thành quả cách mạng vừa giành được, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại của bọn địa chủ, cường hào và một số phần tử phản động, cơ hội hòng chui vào chính quyền để chiếm địa vị, giành giật quyền lợi giai cấp và cá nhân của chúng đã bị cách mạng tước bỏ. Một số xã ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực vì tình hình chính trị còn phức tạp cho nên chưa tiến hành bầu cử được.

    Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, xã đã kết thúc thắng lợi, chọn ra được những đại diện của các tầng lớp, tôn giáo, nam nữ với thành phần gồm công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Ba phần tư số này là lực lượng thanh niên giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Riêng Hội đồng nhân dân tỉnh có một số trí thức và nhân sĩ tiến bộ tham gia.

    Sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, uỷ ban hành chính từ cấp tỉnh đến xã đều được bầu lại (trừ một số xã thuộc Hải Hậu, Giao Thuỷ chưa đủ điều kiện để tiến hành). Một số địa phương do thiếu cảnh giác nên một vài phần tử, đảng phái phản động, địa chủ, cường hào chui vào chính quyền xã hoặc có nơi còn để những phần tử đó chui vào uỷ ban hành chính cấp huyện, gây cho ta nhiều khó khăn sau này. Song nhìn chung thành phần của uỷ ban hành chính các cấp giữ vị trí chủ chốt đều do đảng viên hoặc quần chúng tốt đảm nhiệm. Những phần tử xấu chui vào chính quyền cũng bị quần chúng, nhất là lực lượng Thanh niên Cứu quốc đấu tranh, loại dần ra để thay thế bằng những người tốt, có năng lực nắm giữ vai trò chủ chốt. Do đó, bộ máy chính quyền ngày càng vững mạnh, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ nhiều hơn.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com