[links()]
Nạn đói tháng 3-1945 do Nhật, Pháp gây ra để lại những hậu quả nặng nề cho chính quyền cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Nam Định phát huy truyền thống đoàn kết trong nhân dân, phát động phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau qua khó khăn thiếu đói. Các tổ chức đoàn thể vận động hội viên lập Hũ gạo chống đói, quyên góp lương thực giúp đỡ những gia đình đang bị đứt bữa, làng xã nào cũng hô hào lập Quỹ nghĩa thương, tiết kiệm lương thực, tiết kiệm tiêu dùng để tương trợ, giúp đỡ người nghèo đói, cơ nhỡ. Chính quyền cách mạng ra lệnh nghiêm cấm triệt để nạn đầu cơ tích trữ lương thực, nạn nấu rượu bằng gạo. Nhân dân trong tỉnh đã quyên góp được hàng trăm tấn gạo cứu tế cho hàng ngàn gia đình bị đói. Tính riêng huyện Nghĩa Hưng từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946 đã quyên góp được 12 tấn gạo. Mặt trận Việt Minh huyện đã kịp thời phân phát số gạo cứu đói cho 1000 hộ dân ở địa phương.
Song song với phong trào Nhường cơm sẻ áo, Lá lành đùm lá rách, Đảng bộ còn tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tận dụng mọi nguồn đất để trồng rau màu, cây lương thực ngắn ngày kịp thời chống đói và phòng đói. Chính quyền cách mạng thi hành chính sách giảm thuế điền thổ 20%, tiến hành kê khai ruộng đất vắng chủ giao cho những người thiếu ruộng đất để trồng trọt, thực hiện chính sách hoãn nợ, xoá nợ cho nông dân.
Khẩu hiệu Tấc đất tấc vàng, Không để một tấc đất hoang đã trở thành hành động thực tế mạnh mẽ của mọi người dân. Ruộng đất hoang hoá được khai phá để trồng trọt. Huyện Vụ Bản đã cải tạo đưa vào cấy trồng trên 700 mẫu đất bỏ hoang, thùng đào thùng đấu, ruộng vắng chủ. Ngay cả nhân dân thành phố, thị trấn cũng tận dụng những khoảnh đất xung quanh nhà, kể cả vườn hoa và vỉa hè đất để trồng rau, màu chống đói. Việc đào mương chống hạn, đắp đê chống bão lụt, tu sửa đường sá phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân được tích cực đẩy mạnh. Năm 1946, toàn tỉnh đã đắp trên 77.000 m3 đất và 6.000 m3 đá cho đê sông; 20.000 m3 đá cho đê biển. Diện tích trồng cấy và năng suất các loại lương thực lúa, ngô, khoai, sắn của năm 1946 đều tăng hơn các năm trước. Nạn đói bị đẩy lùi. Đòi sống của nhân dân lao động được cải thiện một phần.
Người nông dân phấn khởi đóng góp thuế nông nghiệp. Ảnh: Internet. |
Đi đôi với tập trung cho sản xuất và chống đói, Đảng bộ Nam Định từng bưóc thực hiện cải cách dân chủ nhằm mục tiêu Ruộng đất cho dân cày. Ngoài việc tích cực thu ruộng đất của bọn Việt gian, ruộng đất vắng chủ (chủ yếu của bọn phản động đã bỏ chạy) chia cho những hộ nông dân không có hoặc có quá ít ruộng. Chính quyền các cấp đã tiến hành chia lại ruộng công cho nông dân. Từ tỉnh đến huyện, xã đều thành lập Ban cấp điền. Trên cơ sở dựa vào sổ sách do chế độ cũ để lại và tình hình thực tế sử dụng đất ở địa phương, Ban cấp điền các xã tiến hành đo đạc, phân hạng, chia lại ruộng đất theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, hợp lý cho mọi công dân (cả nam nữ) từ 18 tuổi trở lên. Đối với những gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội tại ngũ, cô nhi quả phụ, tàn tật có ưu tiên cho những phần đất tốt. Tuy có địa phương gặp một vài trở ngại do giai cấp địa chủ phong kiến tìm cách chống phá, cất giấu sổ đinh, sổ điền, báo cáo sai tình trạng ruộng đất. Song trước sức mạnh của chính quyển cách mạng và áp lực mạnh mẽ của quần chúng, cuộc đấu tranh chia lại ruộng công cho nông dân sau Cách mạng Tháng Tám ở Nam Định đã giành được thắng lợi. Vấn đề này có một ý nghĩa rất quan trọng, đem lại 40% ruộng đất cho tất cả nông dân, đáp ứng lòng mong mỏi khát khao của họ, nhất là người phụ nữ lần đầu tiên được hưởng quyền bình đẳng về kinh tế với nam giới.
Tiếp theo, Đảng bộ còn thực hiện chính sách buộc chủ ruộng phải giảm 25% tô cho tá điền theo Thông tư ngày 20- 11-1945 của Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ quy định. Ở những nơi nông dân bị địa chủ bóc lột nặng nề thì cuộc đấu tranh đòi giảm tô diễn ra gay gắt và có đổ máu. Tại ấp Xuân Thuỷ (Hải Hậu) nông dân giáo và lương đã đoàn kết đấu tranh với Vũ Ngọc Hoánh - một đại địa chủ phản động, đòi phải giảm tô 25% cho tá điền nhưng y đã ngoan cố không chịu thực hiện những yêu cầu chính đáng của nông dân và không chịu chấp hành chính sách của Nhà nước. Trước tình hình đó, Hội Nông dân Cứu quốc xã đã thành lập một Ban lãnh đạo đấu tranh và huy động quần chúng biểu tình phản đối. Sáng 24-6-1946, trong khi nông dân tập trung tới 600 người biểu dương lực lượng, thì cha con hắn đã dùng súng liên thanh bắn vào đoàn biểu tình, làm một người bị chết và hai người bị thương. Quần chúng vô cùng căm phẫn, xiết chặt hàng ngũ kiên quyết đấu tranh. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền tỉnh đã về tận nơi giải quyết, buộc chúng phải nhận tội và thực hiện đầy đủ các yêu cầu chính đáng của nông dân. Để trấn áp kịp thời những hành động phản cách mạng và đề cao pháp luật của Nhà nước, Toà án nhân dân Nam Định đã đưa chúng ra xét xử, phạt tù và buộc phải bồi thường thích đáng cho các gia đình bị hại.
Bên cạnh những thắng lợi đã giành được trong việc quân cấp công điền và thực hiện giảm tô. Ở một số nơi kết quả còn bị hạn chế như chia công điền cho địa chủ ngang bằng với nông dân lao động. Trong chính sách giảm tô, lúc đầu một số địa chủ có chấp hành nhưng sau lại tìm cách thu tô lại như cũ, hoặc chỉ giảm lấy lệ vài ba phần trăm. Nguyên nhân của những khuyết điểm trên một phần do chưa nắm vững nội dung của chính sách, còn rụt rè, nể nang, nhưng chủ yếu do lập trường quan điểm giai cấp của cán bộ, đảng viên còn mơ hồ, chưa gắn chặt hai nhiệm vụ của cách mạng dân tộc, dân chủ; chưa dựa hẳn vào nông dân, chưa kết hợp phong trào đấu tranh của quần chúng với biện pháp hành chính của chính quyền. Đối với hành động chống phá chính sách giảm tô của Vũ Ngọc Hoánh còn biểu hiện hữu khuynh. Vì vậy thắng lợi bị hạn chế và tinh thần đấu tranh của quần chúng bị giảm đi một phần.
(Còn nữa)