Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 5

06:01, 08/01/2015

[links()]

 

    Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ Nam Định hết sức coi trọng công tác xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Mặt trận Việt Minh có uy tín lớn trong nhân dân được củng cố và mở rộng. Các Ban Chấp hành Việt Minh từ tỉnh tới xã được thành lập và giữ vai trò rất quan trọng trong việc vận động, tổ chức quần chúng ở các địa phương. Nhiều đoàn thể quần chúng như Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc được củng cố và phát triển. Tiếp đó, Hội Phật giáo Cứu quốc, Công giáo Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Hướng đạo Cứu quốc, Văn hoá Cứu quốc, Công thương Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc được thành lập.

    Các cán bộ của Đảng, Mặt trận Việt Minh và của các ngành, giới được huấn luyện đào tạo cấp tốc để đưa về địa phương làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng. Việc phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, động viên tinh thần cách mạng của quần chúng, giáo dục lòng yêu nước, chí căm thù giặc Pháp và tay sai trong nhân dân được tiến hành bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức sinh động. Các Đội Tuyên truyền vũ trang được tăng thêm lực lượng và chuyển thành các Đội Tuyên truyền xung phong cùng với cán bộ của Mặt trận và các ngành, giới đi sâu xuống các thôn, xóm, đường phố tổ chức mít tinh, biểu tình, mở lớp huấn luyện học tập cho quần chúng. Các tầng lớp nhân dân lương cũng như giáo trong tỉnh đã nhiệt tình tham gia học tập, hội họp, sinh hoạt chính trị để nâng cao trình độ hiểu biết về cách mạng và hăng hái gia nhập các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Một không khí hồ hởi, phấn khởi sục sôi tinh thần cách mạng của quần chúng được dấy lên từ nông thôn đến thành thị. Chỉ tính đến cuối tháng 8-1945, toàn tỉnh đã thu hút hàng chục vạn quần chúng tham gia các tổ chức hội, đoàn thể (Công nhân Cứu quốc có 15.000 đoàn viên; Thanh niên Cứu quốc có 7.000 đoàn viên; Phụ nữ Cứu quốc chiếm tỷ lệ 0,8% dân số).

Bác Hồ và các vị trong Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội bầu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 1 (3-11-1946)
Bác Hồ và các vị trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được Quốc hội bầu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 1 (3-11-1946)

    Đảng bộ Đảng Dân chủ Việt Nam ở Nam Định lúc đầu do thu hút đảng viên thiếu chọn lọc nên tổ chức quá lỏng lẻo, hoạt động rời rạc. Từ tháng 3-1946, được sự giúp đỡ của Đảng bộ Đảng Cộng sản Nam Định, Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam đã cử cán bộ về chấn chỉnh lại nên sự hoạt động đã có tiến bộ, nhất là ở thành phố. Đảng bộ Đảng Dân chủ đã kết nạp được một số đảng viên trong giới công thương, công chức, tiểu chủ.

    Để mở rộng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù, ngày 1-10-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) tỉnh Nam Định được thành lập, bao gồm Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và các tổ chức ngoài Mặt trận Việt Minh (Đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Hội Liên Việt còn thu hút cả những cá nhân yêu nước, tiến bộ còn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh, làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất ở địa phương ngày càng được mở rộng.

    Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 3- 9-1945 và Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ Nam Định đã làm hết sức mình để cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Thi hành chủ trương của Chính phủ, uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định đã xoá bỏ các loại thuế bất công do chính quyền thực dân, phong kiến đặt ra, nhất là thuế thân, bãi bỏ độc quyền thuế muối, rượu. Trong khi thi hành, có nơi tuyên bố xoá thuế đồng loạt, nên kẻ địch đã lợi dụng xuyên tạc khi ta tiến hành thu thuế muối (như ở Hải Hậu). Tuy còn có những thiếu sót đó song cơ bản chúng ta đã giải quyết được nguyện vọng thiết tha lâu đời của nhân dân. Vì vậy quần chúng vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

    Trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, tình hình lũ lụt đang có nguy cơ xảy ra. Nhiều quãng đê trong tỉnh bị sạt lở, đe doạ tính mạng, tài sản của hàng chục vạn người dân. Ngay sau khi giành lại được chính quyền, Đảng bộ và chính quyền cách mạng đã khẩn trương tập trung lực lượng vào công tác chống lụt. Các đảng viên của Đảng, cán bộ của Mặt trận Việt Minh cùng hàng vạn quần chúng, nhất là lực lượng thanh niên trong toàn tỉnh, suốt ngày đêm liên tục đắp đê, kè, ngăn nước. Mặc dù đang phải chống đói, nhưng với tinh thần làm chủ đất nước, mọi người đã hăng hái đóng góp hàng chục vạn cây tre, hàng nghìn gánh rơm rạ vận chuyển lên mặt đê, nhất là những đoạn xung yếu thuộc sông Hồng, sông Đáy, sông Đào để đắp đê chống lụt. Qua nhiều ngày đêm lao động khẩn trương của hàng vạn con người với sự chỉ đạo kiên quyết và kịp thời của Đảng bộ, nhân dân Nam Định đã thắng được nạn lụt. Đây là việc làm thể hiện tính ưu việt của chế độ mới, vì lợi ích của nhân dân, được toàn dân ủng hộ, tạo niềm tin tưởng vững chắc của quần chúng đối với Đảng.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com