Với người nghệ sỹ, mùa xuân luôn là mạch nguồn cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. Bằng tình yêu và niềm đam mê hội họa, nhiều thế hệ họa sỹ Thành Nam đã lưu lại trong tranh những mùa xuân vĩnh cửu. Đặc biệt, lớp họa sỹ từng trải qua những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã vẽ nên những bức tranh lịch sử mà ở đó mùa xuân còn là niềm tin sắt son vào một ngày toàn thắng.
Hoạ sỹ Vũ Xuân Dương bên bức tranh Lễ hội Phủ Dầy. |
Thành Nam hôm nay đã trở thành đô thị văn minh hiện đại nhưng những câu chuyện lịch sử về một giai đoạn ác liệt đầy gian khổ đã được các họa sỹ ghi lại với những hố bom, những con phố ghập ghềnh đổ nát; em bé Hàng Thao và bữa cơm chiều trong nước mắt; buổi chiều cuối năm, người mẹ vừa cho con bú bầu sữa vẫn còn chảy đã dứt áo cầm súng xuống hầm trực chiến. Những dân quân tự vệ mãi mãi nằm xuống đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ... Họa sỹ Trần Trung Kỳ được giới mỹ thuật cả nước biết đến với phong cách hội họa riêng biệt, bút pháp mạnh mẽ, khoáng đạt và những ý tưởng độc đáo. Ông đã vẽ hàng trăm bức ký họa về cuộc chiến đấu anh dũng của người dân Thành Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gần 100 bức ký họa chiến tranh được họa sỹ thực hiện từ năm 1967 đến năm 1969 là những hình ảnh chân thực, sống động về không khí lao động sản xuất, tinh thần chiến đấu của quân và dân Nam Định như: “Họp chợ bên giao thông hào”, “Hợp tác xã Vĩnh Mạc”, “Trực chiến trên nóc ngân hàng”, “Cửa hàng ăn dưới hầm”, “Công ty bông vải sợi bị ném bom”, “Hố bom trên đường ra bờ sông Đào”. Đặc biệt bức ký họa “Sự sống không bom đạn nào hủy diệt được” với ba gam màu chủ đạo: màu xám thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh, màu xanh và màu hồng tượng trưng cho sự sống, mùa xuân mơ ước của dân tộc. Cũng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họa sỹ Phạm Quyền lại đưa vào tranh mùa xuân của những người con Nam Định lên đường ra tiền tuyến. Đó là những chàng trai, cô gái đang tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ những cung đường huyết mạch ở Trường Sơn. Bằng việc sử dụng những gam màu nóng, bút pháp táo bạo và mạnh mẽ, chiến tranh qua nét cọ của ông vừa bi ai, vừa hùng tráng, nhưng cũng tràn đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc. “Đón xuân ở chiến khu” - tác phẩm sơn dầu mới nhất của họa sỹ Phạm Quyền được thể hiện vào những ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn là món quà tinh thần của ông đối với những người con Nam Định từng chiến đấu trên các tuyến lửa ở Trường Sơn. Với các gam màu tươi sáng vàng, tím, xanh, đỏ, tác giả đã thể hiện đầy đủ những cung bậc sắc màu, cảm xúc của mùa xuân ở chiến khu: rừng đại ngàn xanh tốt, có hoa rừng rực rỡ, chim hót líu lo và dưới trạm giao liên các chiến sỹ vừa đàn
vừa hát. Họa sỹ Vũ Xuân Dương được đồng nghiệp biết đến với những bức tranh phong cảnh độc đáo. Đặc điểm dễ nhận thấy trong tác phẩm của anh là bút pháp tả thực với gam màu rực rỡ.
Trong quan niệm của Vũ Xuân Dương, mùa xuân không chỉ hiện hữu ở vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá mà còn ở niềm đam mê, ở tình yêu hội họa. Vì vậy, tranh của anh dù ở đề tài nào cũng hàm chứa những nét xuân. Họa sỹ Nguyễn Ngọc Châu lại thể hiện hoa xuân và người thiếu nữ với cách nhìn lãng mạn, tinh tế. Với hơn 40 năm cầm cọ, hơn 40 năm đứng lớp, dạy bao thế hệ học sinh, tranh của ông có sự tĩnh lặng và thư thái. Đó là kết quả của những trải nghiệm cuộc đời. Từ khi cầm cọ vẽ những nét đầu tiên, ông đã xác định cho mình phong cách sáng tác gắn liền với cuộc sống. Bởi vậy, mùa xuân trong tranh của Nguyễn Ngọc Châu mang những nét riêng biệt với sự kết hợp giữa phong cách tả thực và phong cách lãng mạn. Mùa xuân quê hương trên đường đổi mới với họa sỹ Nguyễn Ngọc Châu là một trong những mảng đề tài mà ông đặc biệt quan tâm. Để tiếp cận và chuyển tải thành công, họa sỹ thường xuyên đi thực tế. Chính những chuyến đi đó đã giúp ông tích lũy kinh nghiệm, làm giàu vốn sống. Người chơi tranh và yêu tranh của Thành Nam không khỏi bất ngờ và ngỡ ngàng với những bức tranh nghệ thuật đầy tính hiện thực của ông. Đó là việc tái hiện không khí lao động của bà con nông dân trong bức hoạ “Máy tuốt lúa”, là sự hối hả nhộn nhịp của công nhân những ngày cuối năm trong bức họa “Mùa xuân trong phân xưởng nhuộm”. Tranh của Nguyễn Ngọc Châu thường sử dụng khổ lớn, gam màu trầm kết hợp với lối vẽ tinh tế, sâu sắc, chứa đựng tính triết lý nhân văn. Đề tài mùa xuân trong tranh của nữ họa sỹ Vũ Thu Hường không cầu kỳ về bố cục, màu sắc, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Với bút pháp lãng mạn, đề tài thiên về phong cảnh, hoa và tĩnh vật, chị đã lưu lại mùa xuân quê hương trong tranh của mình bằng màu sắc tươi mới, mềm mại và nữ tính. Mỗi bức tranh của chị đều mang một thông điệp mùa xuân qua khắc họa rõ nét và miêu tả sinh động đặc điểm các loài hoa. Mỗi loài hoa dù mang màu sắc khác nhau và ý nghĩa riêng nhưng lại có chung một thông điệp là mang niềm vui đến cho mọi người mỗi dịp tết đến xuân về. Tác phẩm “Mùa xuân và lễ hội” được chị vẽ mới đây nhất với chất liệu bột màu khắc họa khá toàn diện về đền Trần trong những ngày đầu xuân…
Với các họa sỹ Thành Nam, mùa xuân luôn ở trong trái tim với nguồn cảm hứng dạt dào trong lao động sáng tạo nghệ thuật./.
Bài và ảnh: Lam Hồng