Ứng xử trong ăn uống thường ngày

07:03, 12/03/2013

Ăn uống không chỉ là văn hoá thích ứng, tận dụng môi trường, mà còn là văn hoá ứng xử với môi trường xã hội, từ gia đình thường ngày đến với cộng đồng làng xã.

Trong ký ức dân gian thường nhắc: "Nhà giàu ba bữa, nhà khó cũng đỏ lửa ba lần"- với ý nghĩa là ngày ăn ba bữa: sáng, trưa, tối. Tuy nhiên, một số nơi ở Nam Định thường quan niệm có hai bữa "chính" và "phụ". Tiêu chuẩn để xác định "chính" là trong bữa ăn có cơm nóng, thức ăn, còn “phụ” là không có cơm nóng nấu đúng bữa (hay chỉ có cơm nguội) hoặc khoai lang, khoai nước, các loại củ và không có thức ăn.

Có nơi, có gia đình coi hai bữa sáng, trưa là chính, còn có nơi lại coi 2 bữa trưa, tối là chính. Như vậy hầu như mọi nơi Nam Định bữa trưa là bữa chính không thể thiếu được. Bữa sáng hoặc bữa tối được coi là bữa chính tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của từng vùng, từng mùa vụ. Chẳng hạn cư dân thành phố Nam Định bữa sáng không mấy khi là bữa chính nữa. Ở nhiều vùng nông thôn ngày thường thì bữa tối chỉ "qua quýt" củ khoai, củ sắn rồi đi nghỉ, nhưng khi vào mùa vụ, khi phải mượn thêm người phụ giúp  cày cấy, thu hoạch thì bữa tối lại phải chuẩn bị chu đáo.

Thành ngữ người Việt có câu: "Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp" chỉ ra vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc bếp núc cơm nước ở gia đình..

Cách ứng xử trong bữa ăn thể hiện rõ nhất qua bữa chính hàng ngày. Đó là bữa có mặt đông đủ nhất, có thức ăn, vì thế nếu ai đến bữa chưa có mặt thì phải gọi về ăn cơm. Ở nông thôn Nam Định vào những lúc như vậy vẫn thường nghe tiếng mẹ gọi con, vợ gọi chồng... "về ăn cơm". Nếu có ai phải về sau bữa cơm thì phải để dành lại.

Trong bữa ăn gia đình thường ngồi quây quần bên mâm cơm và người ngồi "đầu nồi" thường là phụ nữ. "Đầu nồi" không chỉ đơn thuần là xới cơm mà còn lựa ý xới cơm cho từng người trong gia đình, bát cơm giữa, hay đầu nồi, trước đây còn có độn khoai, sắn, củ, đầu nồi còn dành hay chia cho ai trong bát cơm, xem ai ăn ít hoặc nhiều.

 Chỗ dọn mâm cơm cũng tuỳ theo từng nhà, tuỳ hoàn cảnh, thậm chí có thể theo thời tiết. Những gia đình chỉ có gian bếp thì mâm cơm dọn trên nhà, còn gian bếp rộng rãi hơn thì ăn cơm luôn ở dưới bếp. Ngoài ra cũng còn tuỳ theo sở thích, hoàn cảnh chỗ dọn mâm cơm thường gặp ở những vị trí sau:

- Gian nhà trên (thường gặp hơn cả).
- Gian bếp (với gia đình có bếp núc rộng, vào mùa đông).
- Hiên nhà (với nhà có hiên rộng, vào mùa hè),

 Khi nhà có khách, tuỳ theo mức độ, mối quan hệ với chủ nhà mà "sắp mâm". Trong những bữa cơm như vậy, đàn ông trong nhà mà trước hết là bố (ông) con trai và khách ngồi "mâm trên" (hoặc ăn trước), còn phụ nữ và trẻ em - nhất là trẻ em gái bao giờ cũng ngồi mâm dưới (hoặc ăn sau). Mâm cơm thường được đặt xuống đất hoặc chiếu, người ăn ngồi trên những tấm kê hoặc bằng rơm hoặc bằng ghế tre, ghế gỗ ngồi xung quanh mâm.   

Gia đình bình dân thường dùng mâm bằng gỗ tiện hình tròn, có nhà dùng chõng (hay bức ấm- phên cánh cửa).  Khá giả hơn dùng mâm nhôm hoặc mâm đồng.

Dụng cụ để phục vụ ăn thường ngày như: bát, đĩa, đũa, (đũa con, đũa cả), môi, thìa, cũng như cư dân Việt ở Bắc Bộ. Người ta rất ngại (hoặc bực mình) khi ăn phải đũa cọc cạch (hay vênh) "vợ dại không hại bằng đũa vênh", vì vậy, trước khi ăn cơm có động tác không thể thiếu được là "xo đũa" để xếp đũa theo "đôi" bằng bặn đặt theo các bát, theo các chỗ ngồi.  Trường hợp, nếu đũa cọc cạch hay mới chỉ bằng nhau, nhưng đầu chưa ra đầu (phần nhỏ hơn của chiếc đũa), thì người ăn cũng phải biết,  ngược lại "ăn cơm không biết trở (giở) đầu đũa bị chê, coi là kẻ "tham  ăn", "tục ăn".

Trước khi nâng bát cơm lên ăn, người ít tuổi, bậc thấp hơn phải biết mời người cao tuổi hơn (con cháu mời ông bà, cha mẹ; em mời anh chị), chủ nhà mời khách. Sau bữa,  người ít tuổi, con cháu, em .. dọn dẹp bát đũa và mang tăm, mang nước cho người lớn.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com