Tinh hoa di sản văn hóa Trần

07:03, 02/03/2013

Năm 2012, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần - Chùa Phổ Minh được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng chứa đựng những giá trị mang dấu ấn của nhà Trần - triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong hệ thống các di tích thờ các vua và Thái Thượng hoàng nhà Trần tại tỉnh ta, cụm di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh có vị trí đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa tôn vinh triều đại nhà Trần.

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia khẳng định: Nam Định là trung tâm của một vùng văn hóa trong đó văn hóa gắn với thời Trần, với địa danh Thiên Trường đã được ghi nhận là di sản đại diện cho quốc gia. Ở đó, chúng ta tìm thấy sự giàu có, phong phú, độc đáo, đa dạng của các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Với 750 năm hình thành và phát triển, vùng đất này đã trở thành hình ảnh, biểu tượng và niềm tin không chỉ của cộng đồng cư dân ở đây mà của cả nước. Từ năm 2005, quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đến năm 2015 (Quyết định 252/2005/QĐ-TTg ngày 12-10-2005). Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần cùng với những tập quán, nghi lễ và lễ hội có liên quan là những di sản văn hóa, có giá trị đặc biệt với cộng đồng. Chính vì vậy, trong tương lai, cần nghiên cứu, quy hoạch để tiến tới bảo vệ khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần ở cấp độ quốc tế. Theo đó, một trong những mục tiêu của quy hoạch là: “Bảo vệ, phát hiện, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể của khu vực di tích, tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định là di sản văn hóa thế giới”.

Tiết mục Chầu văn do Nhà hát Chèo Nam Định dàn dựng và biểu diễn.
Tiết mục Chầu văn do Nhà hát Chèo Nam Định dàn dựng và biểu diễn.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Folklore châu Á cho biết: Cơ sở khoa học để Bộ VH, TT và DL công nhận và đưa “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trước hết, căn cứ vào lịch sử của tín ngưỡng tứ phủ, thì hát văn là thể loại hình thành sớm hơn so với các thể loại dân ca khác; đồng thời Nam Định là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật Chầu văn. Nghệ thuật Chầu văn, còn gọi là Hát văn hay Hát bóng được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển trong môi trường tín ngưỡng dân gian, mang đậm phong cách âm nhạc độc đáo, tích hợp được những giá trị của các hình thức âm nhạc dân gian khác. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo).

Hiện toàn tỉnh có 287 di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến nghi lễ Chầu văn với đa dạng hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát thờ: thường được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa...) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng (còn gọi là hát văn công đồng). Trong nghệ thuật Chầu văn Nam Định, có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm: Bỉ, Miễu, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Các điệu chầu văn như hát Cờn, hát Phú, hát Dọc, hát Xá…, mỗi điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, trong đó hát Phú là khó nhất, vừa lấy hơi sâu vừa giữ hơi dài, hát liên tục, nối nhanh các điệu với nhau để tránh rời rạc và phải kết hợp trống, phách, nhị. Hiện tại, ở tỉnh ta có 470 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ Chầu văn”. Có thể nói, từ trong các đền, phủ, với vai trò là một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, nghệ thuật Chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu có sức sống lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật của tỉnh và các tổ, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao.

Cụm di tích Đền Trần và Chùa Phổ Minh được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tiền đề quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy tinh hoa di sản văn hóa Trần trên quê hương Nam Định./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com