Ứng xử trong ăn uống các dịp Lễ hội

07:03, 14/03/2013

Lễ tết, hội hè trong quan niệm của người Việt không thể tách rời với ăn uống. Bữa ăn vào các dịp lễ tết, hội hè cũng chính là những bữa ăn cộng đồng.

 Hàng năm lễ tết, hội hè, giỗ chạp... không ít, vì vậy những bữa ăn cộng đồng cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong việc ăn uống. Thực tế "cộng đồng" khi là những người cùng họ (khi giỗ chạp), khi là người xóm, người làng (khao vọng, vào đám của làng), có bữa ăn gồm thành viên của hai làng (như  làng Đông Khê, Vọng Trung với bữa ăn 4 năm một lần vào dịp khánh hạ), nhiều "cộng đồng" chỉ toàn nam giới (việc hàng giáp, việc làng), nhưng cũng không ít dịp "cộng đồng" gồm cả nữ, những bữa ăn chỉ có người lớn, nhưng cũng có những bữa có cả trẻ em (giỗ chạp, Tết nhất)...

 Tuỳ theo tính chất, phạm vi, quy mô của cộng đồng mà chỗ ăn được đặt ở chỗ khác nhau. Đám cưới, đám khao, đám giỗ gia tiên, ăn ở nhà gia chủ, giỗ họ thường tổ chức ăn ở nhà thờ họ hoặc nhà tộc trưởng, còn "việc của giáp hay hội hè" vào đám "của làng thì cũng tuỳ theo từng tập quán của mỗi làng, mỗi giáp: ăn ở nhà giáp trưởng, ăn ở đình hay chia về ăn theo các giáp. Có những nơi như ở  đền Vọng Trung, đền Đông Khê, theo Nam Định tỉnh địa dư chí  lược: "hai đền này mỗi đền đều có cái phong đình 5 gian, phía trước sân, đình mái cong, trống bốn phía để đặt các mâm cơm cho mọi người trong xã ăn uống, ngoài phong đình có hai dải vũ, mỗi bên 5 gian cũng phục vụ cho ăn uống. Cùng hướng với đền có 5 gian nhà bếp...".

  Dù ăn ở đâu, bữa ăn dịp lễ tết hội hè thường thể hiện nổi bật :

- Tính cộng cảm: Các thành viên tham gia bữa ăn cùng nhân lên hay xẻ chia một  một tình cảm chung nào đó của cộng đồng: mừng hoặc chia buồn cho một thành viên, hay gia đình trong cộng đồng (dịp khao, vọng, cưới xin, ma chay) cùng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên (giỗ chạp), nhớ ơn Thành hoàng làng, hay liên hoan khi  giật giải, "lèo" một cuộc thi trong đám hội làng. Niềm  cộng cảm ấy được biểu thị qua cách góp, giúp công sức, tiền bạc, hiện vật (gạo, nước, thịt cá...) của các thành viên được nhi gọi khác nhau: mừng (cưới, khao, vọng), góp (việc họ, giỗ chạp, việc làng, hội làng), phúng (ma chay).

- Quy tắc trên dưới, "tôn, ti": như ở nhiều vùng Bắc bộ, việc phân biệt các "mâm", "bàn" khi ăn uống trong phạm vi cộng đồng ở Nam Định rất khắt khe. Những từ (còn đến ngày nay) "mâm trên mâm dưới", "bàn nhất, bàn nhì..." được áp dụng chặt chẽ trong các dịp này.

- To, sang hơn bữa ăn thường ngày: những câu kiểu: "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết", "số cô không giàu thì nghèo, đêm ba mươi tết thịt treo trong nhà"... có bao hàm ý nghĩa này. Điều kiện, hoàn cảnh  kinh tế, xã hội của các gia đình không giống nhau, nhưng những dịp như vậy các gia đình đều có chung cố gắng, chuẩn bị để ăn "tươi" hơn, to hơn ngày thường. To, sang hơn được "đo" bằng nhiều tiêu chuẩn: 

Nhiều món ăn, là một "tiêu chuẩn" quan trọng để phân biệt giữa ngày thường và lễ tết (từ các tiết, giỗ chạp, khao vọng đến hội hè).

 Thường ngày, nói theo cách nói dân dã "qua quýt thế nào cũng được", cho "qua bữa"; có khi chỉ đơn thuần cơm, mắm, rau. Trên mâm chỉ có đĩa muối rang, hay đĩa rau luộc.  Lễ tết thì không được. Số lượng các bát đĩa thức ăn trên mâm (nhiều làng có các loại mâm riêng bày trong dịp ăn uống như vậy). Số lượng thịt cá, số bát đĩa các món thức ăn càng nhiều và số người ngồi trên một mâm càng ít thì cỗ càng to.

 -  Cơ cấu thực đơn các món ăn vào dịp lễ tết hội hè ngược lại với bữa ăn thường ngày. Nếu thường ngày bữa ăn chủ yếu là rau, cá, thì  vào các dịp lễ tết, giỗ chạp, món ăn lại nghiêng về thịt, cá, rau.

-  Tất cả những nguồn lương thực, thực phẩm, các cách chế biến thức ăn (đã nhắc ở trên) hình như  được sinh ra, được huy động để phục vụ cho tết lễ, hội tụ ở dịp lễ tết. Với những gia đình nghèo túng bữa ăn thường còn có độn khoai, ngô, sắn, thì tết nhất cũng cố để có bữa ăn không độn ("rặt cơm").  Con cá, miếng thịt gà ngày thường nếu có thì rang, kho để ăn được lâu hơn, còn dịp tết nhất, giỗ chạp được đem luộc, rán...

 Không phải ngẫu nhiên mà người Nam Định gọi những mâm, bàn ăn trong các dịp này là "cỗ", "mâm cỗ" hay "bàn cỗ " "đi ăn cỗ".

 "To" nhất với người Việt là " ăn Tết" Nguyên đán.

Tết Nguyên Đán với tư cách là tổng hợp của những biểu hiện văn hoá Việt, trong đó có  tập - đại - thành của các món ăn Việt Nam. 

 Có những sắc thái khác biệt giữa vùng chiêm và vùng ven biển, giữa nông thôn và thành thị Nam Định. Vùng chiêm trũng ven sông Đáy của Ý Yên chẳng hạn, nếu bữa ăn hàng ngày có các món hến nấu rau (rau thập tàng, rau láo nháo, rau hoang như: rau má, khoai nước, rau sam, cúc tần, rau muối, dền cơm, búp lá duối...), ốc nấu củ chuối, thì tết nhất giỗ chạp  có nhiều hơn các nấu riêu, các bù, cua băm giả sườn, rau muống nấu giả thịt trâu. (Thiếu cái gì người ta nấu giả món đó). Gọi là cỗ thì bao giờ cũng phải nấu ít nhất 2 món canh khác nhau. Mâm cỗ thường ngồi sáu người. Ở vùng trung tâm của Vụ Bản (như Bảo Ngũ, An Thái, Hạ Kỳ, Thụ Ích, Thông Khê, Kim Thái) vào dịp tết lễ phổ biến có: Giò (nạc, pha), gà (luộc, kho), gà nấu ninh, chân giò giả cầy, thịt nấu đông, cá kho, dưa hành, khoai tây hầm thịt. Vào các dịp giỗ chạp: canh bún cua, ốc, riêu cá, thịt gà, lợn... Còn dịp cưới xin mâm cỗ bên cạnh thịt lợn, gà, bò phải có 3 bát (măng, khoai, mọc) 3 đĩa (giò, chả). Vùng ven biển Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng trong dịp tết Nguyên đán, trước đây có ít nhất đến hàng chục món ăn: từ cháo chè, xôi, bánh chưng, bánh tùng, bánh rán..., cá nướng, canh, thịt gà... Tỉnh thành Nam Định, nhất là từ cuối XIX đầu XX, với tư cách là trung tâm của tỉnh cũng trở thành nơi hội tụ sản vật, món ăn của cả vùng Sơn Nam: từ cua bể, tôm he, tôm vàng... của vùng biển, gạo thơm  Xuân Trường, Hải Hậu, trứng vịt của nhiều vùng, nhất là vùng trũng Vụ Bản, Ý Yên và cả  Bình Lục, Hà Nam. Rau xanh đủ loại của Thượng Lỗi, Khoái Đồng, rồi của Thuận Vi - Thái Bình cũng qua đò sông Hồng vào các chợ Nam Định. Tất cả như làm cho Tết nhất ở đây như đến sớm hơn, làm cho thành phố Nam Định những ngày tết cổ truyền trở thành một trung tâm phô diễn món ăn không chỉ của Thành Nam mà của cả vùng châu thổ.

- Chia phần, quà: Có những tên gọi hay (biến thái) khác nhau như: phần, quà, biếu... Phần (nhất là từ các dịp có việc làng) được phân theo vai vế, thân phận của mỗi thành viên. Tuỳ từng tính chất của các dịp này mà khác nhau: từ nắm xôi, chân gà, phần thịt, đến hoa quả...

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com