Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá VIII, tỉnh Hà Nam Ninh được tách thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình từ ngày 1-4-1992. Nam Định nằm trong tỉnh Nam Hà.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năm 1992, Tỉnh đã ra quyết định số 115QĐ-UB thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân, phát huy quyền tự chủ của hộ nông dân trong sản xuất. Công tác thuỷ lợi được tỉnh đặc biệt coi trọng, đầu tư nhiều trang thiết bị cho các hệ thống trạm bơm lớn, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp nông thôn. Đảng bộ, chính quyền các cấp cũng đặc biệt coi trọng chỉ đạo đưa tiến bộ khoa học mới vào các khâu trọng yếu nhằm tạo ra năng suất cao. Cũng từ năm 1992 tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp như chương trình cấp I hoá giống lúa, chương trình phát triển chăn nuôi và xuất khẩu, chương trình lúa lai, ngô lai, dự án trồng rừng... với số vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, tốc độ đưa khoa học công nghệ vào sản xuất không ngừng đẩy mạnh. Các giống lúa lai, lúa đặc sản của địa phương được sử dụng cho năng suất và giá trị hàng hoá cao. Nam Hà trở thành tỉnh đi đầu trong cuộc cách mạng giống lần thứ hai. Cùng với giống mới, phương thức canh tác mới, việc thực hiện thâm canh, xen canh, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ một cách đồng bộ đã giúp cho sản xuất nông nghiệp có bước phát triển liên tục, ổn định. Tốc độ phát triển nông nghiệp bình quân tăng từ 4,7% thời kỳ 1986-1990 lên 8%/năm thời kỳ 1991-1995. Đặc biệt, sản xuất lương thực có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Tổng sản lượng quy thóc bình quân đạt 1.063.200 tấn, tăng 39,5% so với thời kỳ 1986 - 1990. Năm 1995 năng suất lúa đạt 10,5tấn/ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 902.600 tấn. Năm 1996, mặc dù bị thiên tai nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt 878.800 tấn. Lương thực bình quân đầu người năm 1995 đạt 478 kg, năm 1996 đạt 460 kg và Nam Định có mức bình quân lương thực cao hơn mức bình quân chung cả nước. Sản xuất lúa của tỉnh đã từng bước tiếp cận thị trường và trở thành sản phẩm hàng hoá, không những đáp ứng nhu cầu địa phương mà còn trở thành nguồn hàng xuất khẩu.
Cây màu lương thực diện tích hàng năm biến động từ 13.000-15.000 ha, trong đó 70% là màu lương thực vụ đông. Riêng ngô đông tăng nhanh từ 1.000 ha năm 1992 lên 2.958 ha năm 1996. Sản lượng màu quy thóc đạt từ 33.000 tấn đến 45.000 tấn.
Cầu Đò Quan (T.P Nam Định). |
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển về số lượng và tăng nhanh về chất lượng. Thời kỳ này, việc chăn nuôi cũng chuyển mạnh sang hướng sản xuất hàng hoá với giống ngoại và chăn nuôi kết hợp theo phương pháp truyền thống được từng bước mở rộng trong nhân dân. Nhiều hộ gia đình đã mở rộng quy mô kinh doanh chăn nuôi lợn nái, lợn siêu nạc, gà công nghiệp... có thu nhập khá, sản lượng lợn thịt xuất chuồng năm 1995 của tỉnh đạt 49.800 tấn năm 1996 đạt 35.800 tấn. Nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, nuôi tôm, cá nước ngọt và nước lợ được mở rộng. Sản lượng cá nước ngọt năm 1995 đạt 8.000 tấn tăng 33,3% với năm 1990. Nghề làm muối cũng được duy trì và phát triển, có năm sản lượng đạt tới trên 100.000 tấn.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau khi tổ chức sắp xếp lại bước đầu đã vượt qua khó khăn. Từ năm 1993 sản xuất đã tăng dần. Nhiều doanh nghiệp thích ứng dần với cơ chế mới. Công nghiệp quốc doanh được củng cố, công nghiệp ngoài quốc doanh và tiểu thủ công tăng nhanh, nhất là khu vực tư nhân, cá thể phát triển. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bình quân năm 1991-1995 tăng 5%, trong đó quốc doanh tăng 1,9%/năm, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 9,3%/năm. Năm 1996 tăng 9,1%; đã có 18 ngành trong số 19 ngành công nghiệp có mức sản xuất khá, sản phẩm chủ yếu tăng trên 70%. Bước đầu hình thành những khu vực kinh tế trọng điểm như: Khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Nam Định và các vùng phụ cận, từng bước đổi mới thiết bị công nghệ dệt, may. Trong 5 năm bình quân giá trị ngành may mặc tăng 70%.
Khu vực kinh tế ven biển tập trung vào các nghề: kéo sợi, dệt lưới FE, sản xuất và sửa chữa tầu thuyền đánh cá và vận tải. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vùng ven biển tăng 8,2% /năm. Những kết quả trên tuy mới là bước đầu nhưng đó là tín hiệu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm tới trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh đã khai thác và huy động các nguồn vốn để tập trung cho xây dựng, đổi mới máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, tạo ra cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, tỉnh giành khoảng 17% chi ngân sách để ưu tiên đầu tư cho thuỷ lợi, giao thông, các công trình công nghiệp, công trình phúc lợi xã hội. Phong trào quần chúng xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, bệnh viện, hệ thống điện được phát động mạnh mẽ. Nhiều công trình mới được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng như dây chuyền bia NADA, cảng Hải Thịnh giai đoạn một và trạm bơm Quỹ Độ, Kinh Thanh, cầu Đò Quan, bến xe Nam Định, chợ Rồng... Mở rộng mạng lưới điện lực, xây dựng lưới điện 110 và 220KV, với 1.668 km đường điện cao thế và hơn 24.000 km đường điện hạ thế. Hệ thống bưu chính viễn thông, mạng lưới điện thoại phát triển rộng khắp... Tranh thủ nguồn vốn nước ngoài, tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo 7652 phòng học.
Trong hai năm 1995-1996, tỉnh đã huy động nguồn vốn và ngày công quy ra tiền là 344,5 tỷ đồng, trong đó 78% là do nhân dân đóng góp để nâng cấp và làm mới 2.381 km đường... Những công trình kỹ thuật hạ tầng được xây dựng đã phát huy tác dụng, tạo đà cho tỉnh có bước phát triển nhanh hơn trong những năm cuối cùng của thế kỷ.
Theo: Địa chí Nam Định