Sức xuân vùng biển bồi

07:02, 07/02/2021

Xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) được thành lập tháng 2-2020 (trên cơ sở sáp nhập 2 xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Phúc) là vùng đất ven biển trẻ nhất tỉnh. Hòa cùng dòng chảy của mùa xuân đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Thắng đang quyết tâm tạo dựng những tiền đề quan trọng cho những bước đi mới nhanh hơn, mạnh hơn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nông thôn mới xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).
Nông thôn mới xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

Nét nhân văn nghệ thuật cà kheo

Là một xã ven biển nằm trên dải đất phù sa bồi tụ gần cửa sông Ninh Cơ, xã Phúc Thắng vào những năm đầu của thế kỷ trước vẫn còn là những vũng lầy, hoang sơ, không có ghe thuyền. Đất lành, chim đậu, người dân trong tỉnh và các vùng lân cận tìm đến vùng Quần Vinh để hội tụ, đồng lòng khai phá đất hoang.

Để có được hai chữ “Nghĩa Thắng”, “Nghĩa Phúc” (nay là Phúc Thắng) trên bản đồ là công sức, thành quả to lớn mà các thế hệ đất và người nơi đây đã chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi và xương máu để biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành bờ xôi ruộng mật. Không bề thế về lịch sử sáng nghiệp như các vùng quê nội đồng trong tỉnh, nhưng vùng quê “biển bồi” lại có nét nhân văn độc đáo, khó trộn lẫn! Đó là sự độc đáo và dũng khí thượng võ của nghệ thuật cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của các ngư dân ven biển. Theo các bậc cao niên trong xã, để sinh tồn, người dân ở đây đã nghĩ ra cách “nối” chân để có thể cắm sâu vào cát khi lội xuống biển bắt cá, bắt tôm. Cà kheo giúp họ cất te, quăng chài. Trẻ con nơi đây, từ thuở lên bảy, lên mười là phải buộc hai thanh cà kheo vào đôi chân. Sau lúc quăng chài, kéo lưới, họ đùa vui vẫn trên đôi kheo ấy. Lâu dần thành quen. Không phải ngẫu nhiên mà từ công cụ gắn liền với cuộc sống lao động, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật trong đời sống của các ngư dân ven biển. Để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn cà kheo trên cạn, ban đầu là “tập chay”, không kheo, không trống. Khi đã thuần thục động tác mới tiến hành khớp trống, khớp nhạc. Rồi bước vào tập kheo, những kỹ thuật động tác thu chân, nhảy cò, múa, rung sư tử, đánh vật…

Năm 1961, khi huyện Nghĩa Hưng vinh dự được rước Huân chương Thủy nông của Nhà nước trao tặng, cư dân Quần Vinh được giao chuẩn bị một tiết mục “cây nhà lá vườn” góp vui cho ngày hội nên đã vận động anh em trong đội trống của giáo xứ thành lập đội cà kheo gồm 20 người tham gia đoàn diễu hành cho xôm trò. Những con trò ngộ nghĩnh mang tính sáng tạo và tâm hồn mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng. Đồng hành cùng thời gian, người Quần Vinh đã chế kheo và mang cả tâm hồn, trí óc điều khiển đôi kheo dài đến 5m theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Sau những giờ vất vả mưu sinh, các thành viên trong đội cà kheo Quần Vinh, xã Phúc Thắng lại tụ họp trên bãi biển để cùng tập luyện, sáng tạo ra những trò mới, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mang đến niềm vui cho mọi người.

Vùng quy hoạch sản xuất muối xã Phúc Thắng.
Vùng quy hoạch sản xuất muối xã Phúc Thắng.

Thế rồi, nghệ thuật cà kheo thôn Quần Vinh, xã Phúc Thắng đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước, được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, đồng hành cùng thời gian, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày một phát triển, cần được nhân rộng. Sự “giàu có” của người dân Quần Vinh không chỉ là vật chất của vùng quê “biển bạc”, mà cả những giá trị văn hóa kết tinh trong suốt hành trình khai hoang lấn biển trị thủy lập làng; đặc biệt là nghệ thuật cà kheo, môn nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất.

Vững vàng nơi đầu sóng

Với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, xã Phúc Thắng đã xây dựng được các vùng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần xây dựng nông thôn mới Phúc Thắng bền vững và phát triển. Với lợi thế tiềm năng từ biển, phương châm xây dựng nông thôn mới của Đảng ủy, UBND xã Phúc Thắng là xây dựng cơ chế tạo động lực cho bà con mở rộng sản xuất, chỉnh trang kết cấu hạ tầng thôn xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhiều dự án công trình trọng điểm đã được cải tạo xây dựng trên địa bàn, dự án của cấp trên đi qua địa bàn xã và các công trình của địa phương được thực hiện như tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; các công trình đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nghĩa trang nhân dân... với tổng kinh phí 730 tỷ đồng làm cho diện mạo, bộ mặt nông thôn địa phương thay đổi rõ rệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân học tập, đi lại, phát triển kinh tế - xã hội ổn định đời sống. Nhân dân đã tập trung đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi thả các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá, ngao vạng, tập trung phát triển những đội tàu gần bờ, xa bờ khai thác các nguồn lợi hải sản có giá trị nhằm phát huy thế mạnh của địa phương tuyến biển. Tổng thu từ nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản đạt 324 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,8 triệu đồng/năm. Kinh tế có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Đồng chí Trần Văn Mạnh, Bí thư Đảng bộ xã Phúc Thắng cho biết: Giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phúc Thắng tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trở thành mục tiêu kinh tế động lực của xã. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên. Tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Phát huy tối đa lợi thế là địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển khu kinh tế Ninh cơ, Khu đô thị Dệt may Rạng Đông, xã Phúc Thắng quyết tâm tạo bước đột phá mạnh mẽ hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chiến lược phát triển hướng biển của tỉnh và Trung ương./.

Bài và ảnh: Việt Thắng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com