Năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH và KT) tỉnh chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ VII. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, trau dồi kiến thức, rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh.
Hai em Nguyễn Quốc Nhật Anh, Nguyễn Nhật Trung lớp 11A2 Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) giới thiệu “Mô hình bảng tuần hoàn thông minh” cho các bạn cùng lớp. |
Được phát động từ tháng 9-2020, Ban tổ chức cuộc thi đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các trường học trong toàn tỉnh với đối tượng dự thi là tất cả thanh, thiếu niên và nhi đồng có độ tuổi từ 6 đến 19 tuổi tham gia. Sau 4 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh. Trong lần thứ VII tổ chức, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 92 sản phẩm, giải pháp dự thi từ 10 huyện, thành phố ở 5 lĩnh vực gồm: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Một trong những sản phẩm “đặc sắc nhất” cuộc thi là “Mô hình bảng tuần hoàn thông minh của 2 em Nguyễn Quốc Nhật Anh, Nguyễn Nhật Trung lớp 11A2 Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) đoạt giải Nhất trong lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập. Áp dụng KHKT về IC, mạch điện tử và lập trình, các em đã tạo ra bảng tuần hoàn có phần mềm giọng nói với các kiến thức liên quan tới từng nguyên tố hóa học bằng nhiều ngôn ngữ như: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp… Với mô hình bảng tuần hoàn động có thể sử dụng giảng dạy, tra cứu thông tin cũng như giúp học sinh, nhất là các em mới làm quen với môn hóa dễ nhớ, dễ thuộc các nguyên tố hóa học hơn so với các mô hình bảng tuần hoàn hiện có trên thị trường. Cô giáo Mai Thị Hậu, giáo viên hướng dẫn cho biết, thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo mô hình bảng tuần hoàn thiết kế nhỏ gọn, giá thành rẻ để mỗi học sinh có thể mua và sử dụng tại nhà. Lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao; tiêu biểu như giải pháp “Máy thái rau, củ, quả đa năng” của các em Đỗ Quốc Khánh và Đinh Hoàng Khánh, lớp 9A1 Trường THCS Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng) đoạt giải Nhất. Các em đã tạo ra máy thái rau củ quả đa chức năng tích hợp được 3 kiểu thái khác nhau là thái lát, thái lát dạng hoa và thái sợi; đặc biệt có thể thực hiện đồng thời 3 kiểu thái mà không mất thời gian thay lưỡi dao. Qua đó, rút ngắn thời gian, giảm sức lao động, có thể sử dụng cho các nhà hàng và cơ sở chế biến rau củ quả ở các vùng chuyên sản xuất rau, củ, quả. Hiện giải pháp của các em đang được ứng dụng hiệu quả ngay tại bếp ăn khu nội trú của trường.
Trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII, Ban tổ chức cuộc thi căn cứ các tiêu chí quy định lựa chọn, trao giải cho 34 giải pháp; trong đó có 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 16 giải Khuyến khích. Đồng chí Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở KH và CN, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Đa số các mô hình, sản phẩm tham dự cuộc thi lần này thể hiện được ý tưởng sáng tạo của các em, trong đó có nhiều ý tưởng mới, có khả năng áp dụng trong thực tế và mang hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Từ các vật liệu, nguyên liệu sẵn có, các phế liệu trong sinh hoạt hàng ngày, các em đã sáng tạo và cải tiến thành các vật dụng, mô hình hữu ích, thiết bị tự động hoá, mô hình thông minh. Trong đó có nhiều mô hình, sản phẩm tập trung vào ý tưởng bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và giải phóng sức lao động cho con người. Tiêu biểu trong lĩnh vực phần mềm tin học là các mô hình, sản phẩm: “Ngôi nhà thời đại công nghệ 4.0” của các em Đặng Tuấn Đạt, Lương Ngọc Nam học sinh lớp 12A1 Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); “Phần mềm tìm hiểu di sản văn hóa Nam Định” của em Bùi Lê Khánh Hân, lớp 9A Trường THCS Mỹ Thuận (Mỹ Lộc). Ở lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm: “Chế tạo vật liệu thông minh Nano BioCellulose - Chitosan - Cốt nghệ tươi - Nano Bạc thay thế túi nilon và ứng dụng trong y tế” của nhóm tác giả Trần Gia Bảo, lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Khuyến và Nguyễn Thị Nguyệt Phương, lớp 12 Anh 2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định); “Mô hình thùng rác thông minh” của em Trần Gia Bảo, lớp 5B3 Trường Tiểu học Xuân Trường (Xuân Trường); “Sản xuất nước tẩy rửa đa năng thân thiện với môi trường” của 2 em Trần Thị Thanh Huyền và Trần Thị Phương Hoài, lớp 9B Trường THCS Mỹ Trung (Mỹ Lộc)… hướng tới một lối sống mới - “sống xanh”, góp phần bảo vệ không gian sống của mỗi người trong cộng đồng. Thực tế trong quá trình nghiên cứu để tạo ra giải pháp tham dự cuộc thi, được tiếp cận với KHKT hiện đại, các em hiểu sâu hơn những kiến thức được học trên lớp. Và để các em có được những giải pháp hoàn chỉnh tham dự cuộc thi, phải kể đến công sức của các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn. Chính các thầy cô là người lắng nghe, thấu hiểu ý tưởng của học sinh, từ đó hướng dẫn các em tìm tài liệu tham khảo, lên thiết kế và thực hiện hoàn chỉnh mô hình. Qua đó, cả thầy cô và học sinh đều có cơ hội trải nghiệm phương pháp giáo dục STEM, vận dụng lý thuyết khoa học vào thực tiễn cuộc sống; có thể đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người sáng tạo và có tư duy phản biện.
Kết quả của cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII đã tiếp tục khẳng định vị trí là một sân chơi trí tuệ, bổ ích, tạo động lực thôi thúc niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các em. Để nâng cao chất lượng cuộc thi ở những năm tiếp theo, rất cần các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư hoàn thiện kết quả nghiên cứu, thương mại hóa công trình, giải pháp, tạo động lực cho các em tiếp tục phấn đấu, nghiên cứu, sáng tạo./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh