Những ngày giáp tết, trong lúc mọi người hối hả, rộn ràng mua sắm tết thì vẫn có những phụ nữ phải mưu sinh vất vả để lo cho gia đình, con cái mình một cái tết ấm cúng.
Đã thành nếp, cứ 4h sáng hàng ngày, khi phố phường vẫn say giấc ngủ, chị Hạnh ở đường Văn Cao (thành phố Nam Định) đã dậy để chuẩn bị đến chợ đêm Phạm Ngũ Lão thu mua rau củ để về bán lẻ tại chợ Năng Tĩnh. Ngày giáp Tết nên trên chiếc xe đạp cũ, dù đôi chân bị thấp khớp đau nhức nhưng chị Hạnh vẫn cố chở số lượng hàng nhiều gấp đôi ngày thường, trong đó có đến một nửa là khoai tây, cà rốt và su hào. Chị cho biết, những loại rau củ này thường để được lâu nên người dân thường tranh thủ mua sớm hơn để dự trữ. Nếu như ngày thường, tiền lãi chỉ được chưa đến 100 nghìn đồng, nhưng ngày cận Tết số tiền lãi có thể gấp đôi nên chị cố gắng để không lỡ buổi chợ nào. Hai vợ chồng đều làm nghề tự do, lại hay đau ốm nên dù vất vả chị vẫn gắng bán đến ngày 30 để lo cho gia đình có chục bánh trưng và chậu quất nhỏ.
Chị em xã Giao Thiện (Giao Thủy) tranh thủ thu mua hải sản của những chuyến biển cuối năm để tăng thêm thu nhập. |
Giáp Tết cũng chính là thời điểm những người lau dọn nhà cửa thời vụ như chị Phạm Thị Hường ở xã Nam Toàn (Nam Trực) tranh thủ nhận việc để kiếm thêm thu nhập. Chị Hương cho biết, cẩn thận và trung thực là 2 yêu cầu hàng đầu đối với những người làm công việc này. Do tháo vát, sạch sẽ nên cứ nhà này giới thiệu nhà kia, những ngày giáp tết chị làm không hết việc. Có khách quen, nhiều năm nay cứ ngoài 20 tháng Chạp lại gọi chị đến giao nhà rồi đi làm. Ngoài tiền công, chị còn được chủ nhà cho những vật dụng không dùng đến, từ quần áo, bàn ghế đến đồ “đồng nát”. “Trời lạnh như này lao động chân tay như chúng tôi vất vả lắm. Nhúng vào nước lạnh buốt, xách xô nước đi lau từng bậc thang, hành lang, trèo leo để lau trần, lau cửa, có mệt mấy cũng phải gắng chịu vì những ngày gần tết có nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn. Bình thường tôi nhận làm từ 50-70 nghìn đồng/giờ hoặc nhận khoán việc dọn hết cả nhà. Do thu nhập tốt nên có năm tôi tranh thủ làm đến tận ngày 30 Tết bởi cả hai vợ chồng ở quê chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, tết đến chi tiêu nhiều thứ nên phải cố” - Chị Hương tâm sự.
Những ngày giáp tết cũng là “mùa làm ăn” của các cô, các chị buôn bán phế liệu. Bởi gần tết, người dân dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa, loại bỏ đồ cũ nên đây là cơ hội để nhiều người tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Mới đầu buổi sáng mà chiếc xe đạp chở phế liệu của chị Thoa đã đầy ắp. Mỗi ngày chị dậy từ sớm, đạp xe từ Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) xuống thành phố Nam Định thu mua phế liệu đến tối muộn mới về đến nhà. Chị Thoa tâm sự: “Tranh thủ những lúc nông nhàn tôi đi thu mua phế liệu. Những ngày bình thường, hôm nào may mắn tôi cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, ngày ít chỉ được vài chục nghìn đồng trong khi thời điểm giáp tết, mỗi ngày có thể kiếm được 200 nghìn đồng; hôm nào gặp nhiều người cho đồ thì thu nhập khá hơn. Những ngày này cánh đồng nát chúng tôi ai nấy đều tranh thủ đi sớm, về muộn để kiếm thêm chút đỉnh lo cho các con ăn học và có cái tết tươm tất hơn”.
Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, giáp tết là khoảng “thời gian vàng” để họ kiếm tiền ăn tết. Trên các tuyến đường tràn ngập không khí một năm mới đang cận kề dễ dàng bắt gặp những đôi quang gánh, những chiếc xe đạp cũ kĩ cùng dáng dấp tất bật của những người phụ nữ đang tranh thủ “chạy sô” dọn dẹp nhà cửa, thu mua đồng nát, bán buôn... Việc mưu sinh kiếm miếng cơm manh áo hay là sắm sửa cho gia đình có một cái tết nhỏ trong những ngày rét buốt không còn là chuyện xa lạ với nhiều phụ nữ. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề khác nhau nhưng đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất hơn. Càng cận tết, bước chân của những người lao động nghèo trên nẻo đường mưu sinh dường như càng hối hả hơn. Nhưng, ai cũng vui khi nghĩ đến giá trị công sức lao động được đền đáp, con cái sẽ có thêm bộ đồ mới, mâm cơm gia đình sẽ có thêm thịt cá, vậy là xuân đủ đầy, yêu thương./.
Bài và ảnh: Hồng Minh