Tết Việt thời công nghệ 4.0

08:02, 05/02/2021

Từ bao đời nay, Tết cổ truyền đã trở thành một truyền thống văn hóa thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, chứa đựng bên trong những giá trị vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi những đoàn viên, sum họp và gắn kết, tôn vinh gia đình. Hòa nhịp cùng dòng chảy của thời đại, Tết Việt thời nay đã biến chuyển mạnh mẽ, mang đến những sắc thái mới mẻ, đa dạng, phong phú, “toàn cầu hoá” hơn với việc công nghệ 4.0 hoà nhập và tham gia kết nối, hầu hết các hoạt động Tết cổ truyền.

Tết 4.0 “nói không” với tất bật

Nhắc đến Tết cổ truyền người ta vốn hay sử dùng từ “ăn Tết”. Hiểu theo nghĩa đen Tết phải là dịp để mọi người được ăn no, ăn ngon; cũng là gửi gắm ước vọng về một năm mới đủ đầy, ấm no. Theo truyền thống, ngay từ đầu tháng Chạp, mọi công việc chuẩn bị đón Tết đã được khởi động. Và trong 10 ngày cuối cùng của năm cũ, mọi thành viên trong nhà đều phải chung tay lo Tết. Việc mua sắm phải được lên kế hoạch tính toán từ rất sớm những ngày cuối tháng Chạp; trong nhà, ngoài sân, chỗ nào cũng ngổn ngang nồi to, chậu lớn, suốt ngày ồn ã tiếng sai bảo, nhắc việc, mổ lợn, gói bánh chưng, nấu nướng mâm cỗ cúng gia tiên. Ai cũng mệt vì chuyện nấu nướng, sửa soạn đón Tết tươm tất. Không khí Tết xưa luôn là thế!

Nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 người dân có nhiều thời gian du xuân.
Nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 người dân có nhiều thời gian du xuân.

Những năm gần đây, nhiều gia đình không còn phải mất nhiều thời gian, công sức để lo Tết như trước, vì internet có thể giúp chuyện sắm Tết trở nên đơn giản. Tất cả sẽ được “giải quyết” trong vòng “1 nốt nhạc” với công nghệ 4.0. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chỉ cần ngồi nhà, vào các trang mua sắm trực tuyến là mọi gia đình có thể thoải mái chọn lựa các mặt hàng ẩm thực, quà Tết, bánh kẹo hết sức phong phú ngày Tết và được giao hàng tận nhà. Từ chiếc bánh chưng đến các loại giò, giò me, giò thủ, gà luộc, gà hấp muối, vịt quay, chim tần nhồi hạt sen... cho đến những món đồ ăn phương Tây như gan ngỗng Pháp, xúc xích Đức, bánh mì đen Nga, chân giò lợn đen Tây Ban Nha, đùi gà xông khói Hàn Quốc hay bánh kẹo, mứt quả, chè, thuốc, rượu vang... xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới đều có thể đặt mua và giao đến tận nhà. Kể cả những câu đối, đồ trang trí và “nghìn lẻ một” thứ dành cho Tết. Ông Phạm Văn Chuyển ở số 48 Thành Chung (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Cuối năm, công việc kinh doanh của gia đình luôn bận rộn. Năm nào cũng vậy, muốn sắm Tết cũng phải đợi đến ngày cuối cùng của năm âm lịch. Vừa dọn nhà, vừa sắm đồ phục vụ mấy ngày Tết nên gần như cả ngày hôm đó, gia đình đều tất bật từ sáng sớm và không có thời gian nghỉ ngơi”. Mấy năm gần đây, nhờ mua sắm online, việc chuẩn bị Tết đối với gia đình ông đã thư thái hơn rất nhiều. Năm nay, ông đã có nhiều thời gian hơn dành cho trang trí nhà cửa, vui chơi cùng con cháu. “Với chiếc điện thoại kết nối được internet, gia đình tôi thường xuyên mua sắm qua mạng nhưng chủ yếu là đồ gia dụng điện tử như máy giặt, quạt điện, nồi cơm. Đến Tết thì nhu cầu sắm nhiều hơn từ cái bánh, hộp quà, thùng bia rồi quần áo, giày dép, đồ trang trí nhà cửa cho đến bao lì xì, thậm chí bánh chưng. Cứ có điện thoại thông minh là cũng có thể ngồi một chỗ để mua đồ. Thậm chí chơi đào, hay quất chỉ cần vào các tài khoản mạng xã hội của nhà vườn, chụp hình ảnh gửi qua Zalo hoặc Facebook là có thể chọn được cây ưng ý và được vận chuyển đến tận nhà mọi lúc. 

Đáp ứng nhu cầu mua sắm online của khách hàng, nhiều cửa hàng thực phẩm, siêu thị, nhà vườn cũng nhanh chóng nắm bắt “khẩu vị” của các “thượng đế” để phục vụ tận tình. Chia sẻ về hoạt động bán hàng online của mình, bà chủ cửa hàng tại chợ Lý Thường Kiệt chuyên cung cấp bánh chưng, giò - những sản phẩm mang đậm hương vị ngày Tết tại thành phố Nam Định chia sẻ, nhu cầu đặt mua bánh chưng dịp Tết ngày càng tăng cao qua từng năm. So với vài năm trước, nhu cầu tăng gấp đôi, gấp ba nhưng chủ yếu là đặt hàng qua Facebook, Zalo… “Sắm tết thời 4.0 giờ không còn cảnh người người tất bật vì “nhà bao việc”, thay vào đó là thời gian thảnh thơi dành cho sum họp, yêu thương đong đầy”, bà chủ cửa hàng vui vẻ nói với chúng tôi. Không chỉ mua sắm, công việc dọn dẹp nhà đón Tết mỗi dịp Tết đến, xuân về cũng là mối bận tâm đối với các gia đình có cơ ngơi rộng rãi, nhiều đồ đạc lại neo người, ít có thời gian chăm sóc thường xuyên cho ngôi nhà của mình. Với công nghệ 4.0, việc dọn dẹp nhà đã hoàn toàn thay thế bởi các loại vật dụng thông minh như máy hút bụi, rô-bốt lau nhà thông minh hay dịch vụ dọn nhà trọn gói dịp Tết luôn sẵn sàng hỗ trợ tận tình, chu đáo. Nhanh - Nhàn - Tiện lợi chính là những giá trị hỗ trợ của công nghệ 4.0 đem lại giúp cho mọi người có được sự thư nhàn, thong thả dịp cuối năm để cảm nhận, tận hưởng không khí Tết hay hoà mình vào các hoạt động nhộn nhịp khác chỉ Tết mới có như chợ Tết, lễ hội Tết, hay du xuân Tết tại những vùng miền xa xôi. 

“Cầu nối” tình thân mọi lúc, mọi nơi 

Tết cổ truyền cũng là dịp những người con xa quê về lại tổ ấm. Hàng năm Tết đến, xuân về cũng là lúc một lưu lượng khổng lồ lượng người đổ về các bến xe, tàu, sân bay về quê ăn Tết. Nếu Tết xưa ta phải tất tả gọi điện hoặc ra tận ga, bến đặt mua vé thì bây giờ công nghệ đã đem lại trải nghiệm đặt vé qua mạng một cách dễ dàng hơn nhiều. Hầu hết các ngân hàng đều đã tích hợp ứng dụng đặt vé xe, vé tàu ngay trên thiết bị di động. Mọi người hoàn toàn có thể đăng ký lấy vé tàu, xe hay máy bay mọi lúc, mọi nơi theo đúng nhu cầu của mình chỉ bằng vài cú click chuột. Với những người con xa Tổ quốc, công nghệ cao phát huy cao độ vai trò “cầu nối” tình thân. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, những con người xa xứ đón Tết ở nước ngoài sử dụng video call, live stream... có thể trực tiếp nhìn thấy người thân, cách cả nửa vòng trái đất để trò chuyện gửi những lời chúc tốt đẹp tới gia đình trong thời khắc giao thừa, đón năm mới. Họ cũng có thể gửi gia đình, bạn bè, người thân… những món quà dịp đầu năm mới. Hơn thế, với các ứng dụng trao đổi thông tin đa phương tiện miễn phí như Viber, Facebook, Zalo được tích hợp âm thanh, hình ảnh, video cực kỳ phong phú, sinh động đã cho ra đời một loại hình chúc Tết mới - “thiệp điện tử” và nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ không chỉ ngày Tết Nguyên đán mà còn trong các ngày lễ khác như: Tết dương lịch, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày 8-3… Đó thật sự là tiện ích kết hợp tuyệt vời truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa mà công nghệ hiện đại mang đến.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang tiến đến thật gần. Có thể khẳng định, cuộc cách mạng 4.0 làm con người xích lại gần nhau hơn. Cuộc sống thay đổi nhiều, sự giao lưu giữa mọi người trở nên đa dạng hơn. Công nghệ 4.0 đã trở thành công cụ đắc lực giải quyết được vấn đề khoảng cách thông tin liên lạc, giao lưu, giao tiếp xã hội; kết nối thương mại điện tử, tiện ích giải trí. Tất nhiên, công nghệ 4.0 cũng không thể thay thế giá trị nhân văn, sự sẻ chia, cảm nhận của từng cá nhân trong không khí Tết vui tươi, đầm ấm bên gia đình. Bởi cảm xúc của Tết phải được đón nhận, cảm thụ trực tiếp qua cử chỉ, hành động. Đó là hình ảnh những người mẹ tảo tần, chuẩn bị đầy đủ lá dong, thịt, đỗ, gạo… để gói bánh chưng ngày Tết, là niềm vui tự tay trang trí, quét dọn ban thờ, chuẩn bị mâm cỗ, thành kính thắp hương tổ tiên, là nét mặt rạng rỡ hân hoan của lũ trẻ với những phong bao lì xì đỏ tươi thắm... Bởi giá trị đích thực truyền thống, giá trị cốt lõi của Tết là gia đình sum vầy, người người, nhà nhà quây quần cùng gia đình, dành cho bố mẹ, ông, bà, anh em những tình cảm, lời chúc chân thành từ tận trái tim. Tết 4.0 hiện đại và Tết truyền thống đã ngày càng giao thoa, hoà trộn đem đến những phong vị mới giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại. Tết “nhạt dần” hay “đậm đà hơn” có chăng là cảm nhận riêng của mỗi người?!. Gia đình luôn là cội nguồn nuôi dưỡng đời sống tinh thần tâm linh của mỗi người. Công nghệ sẽ mãi chỉ là thứ bổ trợ hiệu quả nhất, giúp con người dành thời gian nhiều hơn bên nhau để tôn vinh những nét đẹp truyền thống Tết./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com