Đi chợ mùa xuân là phong tục của người Việt từ thời xa xưa truyền lại để cầu một năm mới nhiều tài lộc, may mắn, bình an. Vốn là vùng đất cổ, tỉnh ta nổi tiếng với những phiên chợ xuân độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa ấm áp nồng hậu. Ngoài phiên chợ Viềng nổi tiếng cả nước diễn ra vào đêm mùng 7, 8 tháng Giêng còn có chợ cầu may đêm mùng 2 sáng mùng 3 Tết ở hầu khắp các làng quê trong tỉnh. Mỗi phiên chợ có một nét văn hóa độc đáo riêng, nhưng đều mang dấu ấn của cư dân nông nghiệp, thu hút đông đảo du khách đến chơi chợ, du xuân, làm nên nét riêng đất và người Nam Định.
Chợ quê Giao Thủy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Đã thành thông lệ, ngày mùng 1, mùng 2 sau khi lo cúng lễ tổ tiên, Tết mẹ Tết cha, sang ngày mùng 3, người ta bắt đầu mở chợ, mua bán lấy may. Vậy nên, khu vực các huyện phía bắc tỉnh dân gian tổng kết lịch “chơi chợ”: “Mùng Một ăn Tết ở nhà/Mùng Hai chơi điếm, mùng Ba chơi đình/ Mùng Bốn chơi chợ Quả Linh/ Mùng Năm chợ Trình, mùng Sáu chợ Gôi/ Nghỉ ngày mùng Bảy mà thôi/ Đến ngày mùng Tám đi chơi chợ Viềng”. Xưa kia đình và chợ thường gắn liền với nhau nên hầu hết các địa phương trong tỉnh mở cửa đình vào đêm mùng 2 và họp chợ cầu may ngay sân đình vào ngày mùng 3. Phiên chợ cầu may ngày mùng 3 Tết ở mỗi địa phương có một nghi lễ khác nhau gắn với thần tích của vùng đất đó. Phiên chợ cầu may làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh), gắn với tục thờ Thần Hoàng Quý Triều Đại Vương là em trai của Tản Viên Sơn Thần. Theo truyền thuyết, có lần Thần đi kinh lý qua cửa Thần Phù, thấy người dân tổng Văn Lãng xưa thường chịu cảnh lũ lụt, mùa màng thất bát, Thần Hoàng Quý Triều Đại Vương bèn dạy cho cách trị thủy, trồng cấy. Sau đó, dân làng lập đền thờ và cứ đến mùng 2 Tết hàng năm lại tổ chức rước Thần từ đền Nam Lạng ra đình làng mở hội chợ đầu năm ở ngay khu đất trống trước đình để Thần ban cho may mắn. Sau khi thực hiện các nghi lễ kính cáo Thần linh, tảng sáng, phiên chợ khai xuân được mở. Hàng hóa trong phiên chợ cầu may làng Nam Lạng mang đậm đặc tính “tự cấp, tự túc” của cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm tinh thần như tranh, chữ, tò he, đồ gốm sứ cho đến những nông sản như rau, cá, thịt, hoa quả… Đặc biệt có hai sản phẩm mang nét đặc trưng không thể thiếu trong phiên chợ cầu may mà ai đến chợ cũng phải mua cho kỳ được là muối và bánh rang. Vừa trao đổi hàng hóa, mọi người vừa trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới và thăm hỏi những đổi thay trong một năm qua. Tại thôn An Hòa, xã Yên Bình (Ý Yên) cứ đến sáng mùng 3 Tết, dân trong làng, người mớ cá, giỏ cua, gánh rau vườn nhà, người phản thịt bò, mẹt muối gói giấy điều đỏ… họp chợ nơi sân đình. Việc bán, mua chỉ là cái cớ bởi trong nhà thực phẩm mọi thứ gà, lợn, măng, miến, dưa hành vẫn sẵn, nhà nào nhà nấy con theo cha, vợ theo chồng rủ nhau ra chợ chỉ để gặp mặt, hỏi han chúc nhau năm mới sức khỏe, mua thêm chút cá tươi, mớ rau cần, xách thịt bò để làm cơm hóa vàng cúng tổ tiên. Chợ Đình thôn An Hòa họp chóng vánh trong vòng một đến hai tiếng đồng hồ lúc sáng sớm rồi tan nhưng người dân trong thôn, ai bận việc không ra đến chợ đều như thấy thiếu một điều gì đó chưa làm. Nhiều cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn bảo con cháu dắt ra chợ Đình, không đi lại được thì ngồi gốc đa xem người làng mua bán, ngẫm nhìn sự đổi thay của xóm làng và chứng kiến vạn vật vào xuân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, ngày nay, phiên chợ cầu may ở khắp các địa phương trong tỉnh trở nên đông vui, tấp nập hơn. Quy mô chợ được mở rộng, hàng hóa trong chợ cũng đa dạng hơn; ngoài các sản phẩm truyền thống của địa phương còn có sự góp mặt của hàng hóa ở nhiều nơi khác. Từ tờ mờ sáng ngày phiên chợ, từ các ngả đường trong xã, người dân í ới gọi nhau đến đền, chùa để lễ Thần, Phật rồi đi chợ. Tất cả hòa nhập trong không gian ấm áp linh thiêng, cười nói vui vẻ, bán, mua nhanh chóng để cầu may mắn cho cả năm.
Qua ngày mùng 3 “hết” Tết nhà, Tết họ, người dân mong ngóng đến phiên chợ Viềng đầu xuân. Chợ họp một phiên duy nhất trong năm kéo dài từ chiều mùng 7 sang ngày mùng 8 Tết. Người đi chợ bán mua rôm rả suốt cả đêm, ánh đèn nhoang nhoáng thắp sáng cả vùng. Sản phẩm làm nên nét đặc trưng của chợ Viềng là thịt bò thui. Mỗi phiên chợ hàng trăm con bò được ngả ra phục vụ ăn uống ngay tại chợ và để du khách mua mang về nhà làm quà. Chợ liền với Phủ Dầy - địa chỉ tâm linh nổi tiếng nên người đi chợ bao giờ cũng vào Phủ lễ Mẫu, sang Chùa lễ Phật rồi mới vào chợ bán mua nên phiên chợ đầu xuân càng thêm độc đáo, ai nấy đều tỏ ra thân mật gần gũi, vui vẻ, hoà đồng, hứa hẹn một năm làm ăn sung túc. Người đi chợ Viềng đầu năm không chỉ có dân Nam Định mà người tứ xứ từ Hà Nội xuống, Thanh Hóa, Nghệ An ra; Hải Phòng, Quảng Ninh đến, ai cũng muốn ít nhất một lần trải nghiệm chơi chợ “Năm có một phiên/ Để cho trai gái đắt tiền trầu cau”, mong lộc xuân một năm thuận hòa, may mắn.
Với người kinh doanh, chợ Xuân là một cơ hội làm ăn, kích cầu mua sắm rất hiệu quả. Với người sản xuất - những nông dân trong vùng, phiên chợ Xuân là cơ hội tuyệt vời để quảng bá sản phẩm. Do vậy họ cố mang đến chợ những hàng hóa chất lượng nhất để người mua nhớ mà tìm lại. Những năm gần đây, chính quyền và các địa phương đã đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa và giá trị kinh tế - xã hội của hoạt động chợ Xuân nên đã chỉ đạo tổ chức đảm bảo chất lượng, quy mô, tạo một sự kiện, hoạt động giao thương sinh động, hiệu quả từ đầu năm. Do vậy, ngoài chợ Viềng phủ, Viềng chùa, các chợ Xuân Hải Lạng, Liễu Đề… được tổ chức hết sức sôi động, cung đường du xuân khắp các vùng trong tỉnh thêm phong phú. Chợ Xuân thực sự trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.
Nguyễn Hương