Thực hiện lời dạy của Bác: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh...”, thời gian qua, ông Vũ Trung Trực, hội viên nông dân xã Trung Đông (Trực Ninh) đã thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa lai, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Vũ Trung Trực, xã Trung Đông (Trực Ninh) kiểm tra sự sinh trưởng của lúa. |
Trước đây, gia đình ông Trực kinh doanh lâm sản và làm dịch vụ cày bừa phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trên địa bàn. Năm 2015, khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân về triển khai mô hình trồng lúa lai tại xã Trung Đông, ông đã mạnh dạn đứng ra nhận làm với quyết tâm “bắt đất trũng nhả vàng”. Thuận lợi khi tham gia mô hình là ông được Công ty hỗ trợ, hướng dẫn tận tình về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, bắt tay vào triển khai mô hình, nhất là khi đưa máy cấy công nghệ cao vào sản xuất, ông không khỏi lo lắng khi bà con tới tham quan đều chê lúa cấy ngả nghiêng và thưa. Đến khi lúa cho bông đẹp, mô hình được thử nghiệm thành công, bà con lại kéo đến xem và chuyển sang khen ngợi, ông mới thở phào nhẹ nhõm. Giám đốc Công ty Đoàn Văn Sáu lúc đó còn hoài nghi về khả năng của ông, chỉ đồng ý cho làm 1/3 diện tích. Ông Trực nhớ lại, vụ đầu tiên, vợ chồng anh Sáu thường xuyên “âm thầm” theo dõi, chiều muộn mới về kiểm tra ngoài cánh đồng. Vụ xuân đó, năng suất lúa ông trồng đạt cao nhất Công ty và vụ mùa tiếp theo tiếp tục thành công. Có kiến thức, tư duy cộng với quyết tâm cao, ông đầu tư mua 2 máy cấy, 1 máy gieo, 1 máy phun phân cùng các loại máy cày, bừa để phục vụ cho việc trồng lúa lai. Việc sử dụng cơ giới hóa không chỉ giúp cho chi phí đầu vào giảm hẳn mà còn mang lại hiệu quả cao. Khi chưa áp dụng máy cấy, ông phải trả 260 nghìn đồng cho mỗi công lao động một sào bao gồm cả công nhổ mạ và cấy; trong khi trung bình một ngày, 2 máy cấy có thể cấy từ 7-8 mẫu. Hiện tại, ông đang nhận cấy tổng diện tích 15,5ha. Theo tính toán của ông, ngoài tiền thuê những cánh đồng của bà con trong xã với mức 80kg thóc/sào/năm cùng với đầu tư giống, thuốc bảo vệ, công lao động khoảng 1,8 triệu đồng/sào, nếu mưa thuận gió hòa, trừ chi phí, ông có thể thu về 500 triệu đồng mỗi năm. “Tuy nhiên, sản xuất lúa giống là công việc rất khó khăn vất vả, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, nếu không thực sự yêu công việc nhà nông, khi gặp thất bại sẽ nản ngay”, ông Trực chia sẻ thêm. Có vụ lúa, chỉ sau một đêm, ông thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Hai thửa ruộng với diện tích gần 2,6ha lúa bông đang đỏ đuôi chờ ngày thu hoạch bỗng gặp mưa gió đổ rạp xuống, riêng tiền công búi lên đã mất 14 triệu đồng. Thêm vào đó, hiện nay, lực lượng lao động trẻ chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ ngày càng nhiều, tình trạng bỏ ruộng tiếp tục diễn ra. Nhiều ruộng đất mênh mông chỉ được cấy một vụ hoặc bỏ hoang cho cỏ mọc, chuột bọ nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến những vùng thường xuyên sản xuất. Ông Trực chia sẻ: “Làm lúa lai như nuôi con thơ, phải chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, căn chỉnh sự phát triển của cây lúa, thường xuyên đổi mới tư duy, cách làm để đạt năng suất, hiệu quả cao nhất. Bù lại, nếu thời tiết ủng hộ, cây lúa lai cũng đền đáp xứng đáng cho công sức người nông dân bỏ ra”.
Với tấm lòng gắn bó với ruộng đồng quê hương, ông Vũ Trung Trực đã góp phần khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, ứng dụng cơ giới hóa vào nhiều khâu sản xuất, giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân. Không chỉ là hội viên nông dân xuất sắc, tích cực phát triển kinh tế gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động địa phương với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Ngày ngày, hạnh phúc của lão nông Vũ Trung Trực là ra cánh đồng chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng của cây lúa. Cùng với đó là biết bao ấp ủ, dự định ở phía trước để sản xuất nông nghiệp ngày càng tiếp cận với công nghệ hiện đại. Chẳng hạn như khi đi tham quan mô hình máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật ở tỉnh Bắc Ninh, ông rất thích nhưng đành chịu vì không có vốn để thực hiện. Ngoài ra, ông cũng mong tích tụ thêm được nhiều diện tích hơn nữa để ngày càng có thêm nhiều nông dân được tham gia sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thành công bước đầu đã cho ông Vũ Trung Trực có thêm động lực để tiếp tục thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất trồng lúa lai. Tuy nhiên, ngoài niềm đam mê, ông mong muốn có sự hỗ trợ nhiều hơn về nguồn vốn vay ưu đãi để người nông dân có thể thực sự làm giàu từ cây lúa, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Lam Hồng