Thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè

05:07, 05/07/2019

Mặc dù đã qua nửa kỳ nghỉ hè, nhưng đến nay nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh vẫn còn “loay hoay” trong việc tìm cho trẻ một sân chơi bổ ích sau những ngày học hành vất vả. Tuy nhiên trên thực tế, việc tìm được một chỗ chơi theo đúng nghĩa cho trẻ trong dịp hè là điều rất khó đối với nhiều bậc phụ huynh.

Một lớp học võ tại Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Nam Định.
Một lớp học võ tại Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Nam Định.

Thiếu không gian cho thiếu nhi vui chơi, giải trí là một thực trạng tồn tại trong tỉnh nhiều năm qua. Ngay tại trung tâm Thành phố Nam Định cũng chỉ có điểm vui chơi quen thuộc dành cho thiếu nhi là khu vực hồ Vị Xuyên. Nhiều em được bố mẹ cho đến Nhà văn hoá Thiếu nhi thành phố đăng ký học một trong các môn như: nhạc, họa, múa, võ thuật, cờ vua, bơi, tiếng Anh… Thế nhưng, sức chứa ở đây cũng chỉ có hạn. Tại các bể bơi của tư nhân cũng luôn quá tải, đặc biệt là khu vực bể bơi dành cho trẻ em. Những điểm vui chơi, giải trí này hầu như chỉ có các em gia đình có điều kiện, còn với những trẻ em nghèo thì việc tiếp cận các dịch vụ vui chơi, giải trí hay học những môn nghệ thuật, võ thuật vẫn còn xa vời. Còn ở các huyện, thị trấn đến nay cũng chưa có trung tâm văn hóa thanh, thiếu nhi phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của giới trẻ. Sự hạn hẹp về nguồn kinh phí là lý do mà các địa phương vùng nông thôn rơi vào tình trạng không có địa điểm vui chơi cho thiếu nhi trong nhiều năm nay. Dù ở những vùng nông thôn đất đai vẫn còn khá rộng có thể làm điểm vui chơi cho trẻ em nhưng hầu hết không được quy hoạch và cũng không có nguồn lực để xây dựng. Bên cạnh đó, các gia đình thường tất bật với công việc đồng áng, không có nhiều thời gian quan tâm tới con em mình dẫn tới việc trẻ em phải tự chơi và tự tìm sân chơi trong những ngày hè. Thời gian qua, tổ chức Đoàn ở nhiều địa phương cũng đã chú trọng hơn đến vấn đề tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi trong dịp hè, nhưng nhìn chung các hoạt động còn khá đơn điệu về nội dung, hình thức và không phải em nào cũng có điều kiện tham gia. Tiêu biểu như các mô hình sân chơi cho các em gắn với dạy kiến thức, kỹ năng như các mô hình dạy bơi phòng, chống đuối nước; tuyên truyền phòng, chống ma tuý… của Huyện Đoàn Xuân Trường; mô hình “Về nguồn” thông qua việc tổ chức các hoạt động dã ngoại cho các em đến thăm các địa danh lịch sử, góp sức bảo tồn, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa nhằm giáo dục trẻ về tình yêu quê hương, đất nước… của Huyện Đoàn Hải Hậu… Các mô hình trại hè hướng dẫn kỹ năng sống như: “Học kỳ quân đội”, “Học thành người có ích”, “Hòa mình với thiên nhiên”, “Khóa tu mùa hè”, “Trại hè công an”, “Trại hè kỹ năng sinh tồn”... cũng đang được triển khai ở một số địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động này không được thực hiện thường xuyên và chỉ thu hút được những đối tượng trẻ em nhất định, vì vậy hầu như quỹ thời gian 3 tháng hè các em “tự” tổ chức vui chơi phù hợp với điều kiện gia đình, địa bàn dân cư. Bởi vậy, vào mỗi buổi chiều đi dọc theo các tuyến đường từ thành phố đến nông thôn, không ít đoạn vỉa hè, lề đường được các em biến thành sân chơi bóng đá, cầu lông và một số các trò chơi dân gian khác; các ao, hồ, kênh mương cũng được biến thành “bể bơi”. Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn như đi tắm sông, trèo cây, chơi game online, đá bóng dưới lòng, lề đường là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm… Mới đây, ngày 22-6-2019, tại khu vực cống thuỷ lợi nằm giữa hai xã Thọ Nghiệp và Xuân Phú (Xuân Trường) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, một nam học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Thuý (Xuân Trường) bị đuối nước tử vong. Nguyên nhân do nam học sinh này và một số bạn học đã rủ nhau ra đây tắm và không may xảy ra sự việc đáng tiếc này. Ngày 29-6-2019, tại xóm 11 thôn Âm Sa, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) xảy ra vụ đuối nước khiến 3 cháu nhỏ từ 6 đến 12 tuổi trong một gia đình tử vong do xuống ao chơi vào thời điểm người lớn đi vắng, không phát hiện kịp thời. Việc học sinh tự ý rủ nhau đi tắm sông, hồ, ao dẫn đến việc đuối nước đang là hiện trạng phổ biến ở nhiều địa phương. Nhưng dường như các em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm mà chỉ hành động theo sở thích và sự rủ rê của bè bạn. Các em cũng chưa đủ kỹ năng để có thể xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Thiếu chỗ chơi nên ở bất kỳ chỗ trống nào ở ngõ ngách, vỉa hè, đường phố đều có thể trở thành nơi vui chơi của các em. Ở đường Nguyễn Văn Vịnh (phường Hạ Long), cứ buổi sáng và chiều lại có khoảng hơn chục em nhỏ tổ chức đá bóng dưới lòng đường. Các em mặc sức chạy theo trái bóng mà không để ý đến những phương tiện giao thông đi lại, trừ khi xe máy, ô tô dừng lại và bật còi lên liên hồi. Đã có những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra khi người lái xe bị ngã vì mải tránh các em, gần đây nhất là trường hợp hai bà cháu dắt nhau đi trên vỉa hè bị trái bóng bật trúng mặt em bé gây bầm tím và rách mí mắt. Nguy hiểm hơn nữa là nhiều em không có sân chơi và đang trong độ tuổi mới lớn thường xuyên tụ tập với nhau, có nguy cơ bị dụ dỗ, xúi bẩy vào những thói hư, tật xấu như hút thuốc, đánh nhau. Nhiều em nhỏ nghỉ hè phải làm bạn với ti vi, chơi trò chơi điện tử trên smart phone hoặc phải đi học thêm để bố mẹ có thời gian đi làm dẫn đến nhiều hệ luỵ như trẻ trở nên thụ động, nhiều trò chơi bạo lực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở kinh doanh internet, phần lớn các “khách hàng” ở độ tuổi 7-17 tuổi. Không ít em đã sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực, hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Để giải bài toán sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch trong việc duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện đối với trẻ. Các bậc phụ huynh cần làm tốt công tác quản lý con em trong dịp hè, tránh để trẻ sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh; đồng thời làm giảm nguy cơ thương tích từ những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn, đa dạng hoá hình thức tổ chức để thu hút được đông đảo các em tham gia. Tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com