“Ngôi nhà xưa cây mỗi ngày mỗi xanh. Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc”… Trong câu chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng bà giáo Lê Thị Kim Chung, thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) lại ngân nga những câu thơ như thế. Bà bảo, “sở dĩ tôi thích những câu thơ này là bởi vì nó như nói hộ chiều dài lịch sử ngôi nhà của gia đình tôi với niên đại cả trăm năm. Từ ngôi nhà này, bố mẹ đã sinh ra anh em chúng tôi. Mỗi người lớn lên lại có gia đình riêng, đi xa rồi trở về. Chúng tôi, những người đầu xanh hôm qua bây giờ tóc đã bạc hết cả. Các cụ thì đã về với tiên tổ. Chỉ có ngôi nhà, do được gìn giữ cẩn thận vẫn còn nguyên vẹn, cây cối đua nhau vươn sát nhà, mỗi mùa thêm xanh tốt”. Được làm từ gỗ lim vào năm 1903, đến nay, ngôi nhà của bà Chung là một trong số rất ít những nếp nhà cổ còn lại ở Dịch Diệp.
Bà Lê Thị Kim Chung (áo đen) thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) giới thiệu ngôi nhà của gia đình được xây dựng từ năm 1903. |
Dẫn khách thăm một vòng quanh nhà, bà giáo Chung kể cho chúng tôi nghe tường tận lịch sử xây dựng ngôi nhà: Năm 1903, ông nội tôi khởi công công trình mà ông tâm huyết cả đời. Trước khi xây, ông tìm hiểu kỹ về các kiểu nhà thịnh hành thời bấy giờ, tham khảo thêm ý kiến của những người có chuyên môn rồi mới vẽ bản phác thảo, kỹ càng đến từng chi tiết. Nhà xây vài tháng thì xong, là niềm tự hào của cả gia đình về độ bề thế, khang trang. Ông nội tôi mất, để lại nhà cho bố tôi, bố tôi sau đó để lại cho tôi. Tính đến nay, đã có 3, 4 đời người sinh sống ở đây. Ngôi nhà cổ của gia đình bà Chung được xây theo kiểu Pháp, rộng 30m2, chia làm 3 gian, 2 tầng, mái lợp ngói. Tường nhà bằng gạch, bên ngoài quét vôi giấy, trang trí một số họa tiết cách điệu. Các chi tiết bên trong ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Tầng 1 gồm 3 cửa, mỗi cửa có 4 cánh với chân quay, không có bản lề. Bên cạnh khu nhà chính là 3 gian bếp, ngoài cùng là cổng, được thiết kế theo kiểu cổng làng đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có mái vòm, cửa gỗ. Đến nay, trải qua 116 năm, ngôi nhà cổ của bà Chung đã trải qua 3 lần sửa chữa nhỏ. Năm 1983, để tiện cho việc sinh hoạt, bà Chung thuê thợ vít 2 cửa bên hông ở tầng 1 để làm cửa sổ. Đối với cửa chính, bà bỏ 4 cánh to thay bằng cửa 2 cánh hiện đại bây giờ. “Lý do là các cánh cửa lim quá nặng, không thuận tiện cho việc đóng, mở, do đó tôi thay đổi chút ít cho phù hợp”. Năm 2012, phần vôi giấy ở bên ngoài tường, theo thời gian bị bong tróc, lỗ chỗ nhiều mất thẩm mỹ nên bà Chung tiếp tục thuê thợ vạc vôi, quét xi măng và sơn lại tường. Cũng trong năm đó, bà xây thêm 4 cột đỡ đầu xà trên tầng 2 khi xà có dấu hiệu hư hỏng. Bà cũng chọn mua loại lim tốt để thay cầu thang sau nhiều năm sử dụng không còn đảm bảo an toàn. Ngoài 2 đợt sửa chữa đó, ngôi nhà hầu như không bị hư hỏng gì, toàn bộ kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Trong ngôi nhà lớn của mình, bà Chung kể có rất nhiều kỷ niệm. Đó là những năm tháng tuổi thơ yên ấm với gia đình đông đúc anh em. “Bố tôi vốn là một trí thức, ông chủ của một nhà in bề thế trong Sài Gòn. Năm 1945, ông về thăm nhà rồi kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông không vào Sài Gòn được nữa. Mẹ tôi thì vốn là một thợ dệt chính gốc. Các loại vải, khăn mà bà dệt ra đều rất đẹp, được nhiều người khen ngợi. Những năm đó, trong nhà lúc nào cũng có vài khung cửi với rất nhiều người làm. Tiếng lách cách thoi đưa, tiếng người nói huyên náo đêm ngày. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, có những ngày giặc càn vào làng, 1/3 dân làng chạy vào nhà tôi ngồi cho… đỡ sợ. Vì họ tin tưởng bố tôi, biết ông nói được tiếng Pháp, giao lưu được với người Pháp”. Không chỉ gắn bó suốt những năm tuổi thơ, thời con gái với ngôi nhà, bà Chung bảo, 5 năm sau khi đi lấy chồng, cả gia đình bà đã dọn hẳn về đây ở. Chính vì vậy, đây cũng là nơi các con của bà sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi trở về với bố mẹ những ngày giỗ chạp, trong những kỳ nghỉ. “Mặc dù con cháu tôi đều lập nghiệp ở xa, có chỗ ở ổn định và có lẽ sẽ không quay về quê nhưng không vì thế mà tôi bán nhà. Tôi sẽ giữ ngôi nhà làm nhà thờ, lấy chỗ cho con cái, cháu chắt đi về”, bà Chung chia sẻ.
Cụ Phạm Phúc Biền, thôn Dịch Diệp, chủ nhân của căn nhà cổ trên 100 tuổi năm nay cũng đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mặc dù tai “nghễnh ngãng” song trí nhớ của cụ vẫn còn rất minh mẫn. Cụ kể: “Nhà này là do tôi mua lại chứ không phải có từ thời cha sinh mẹ đẻ tôi. Trước đây, ngôi nhà vốn là do cụ Huyện Vấn xây. Cụ Huyện Vấn là người Hải Hậu, làm tri huyện thời thuộc Pháp. Tôi cũng không nhớ rõ cụ Huyện xây nhà năm nào, chỉ biết rằng từ hồi nhỏ “như cái kẹo” tôi đã thấy có ngôi nhà to lớn này nằm giữa làng. Cụ Huyện xây nhà rồi giao lại cho các con, cháu của mình ở trông nom. Các con của cụ sau khi qua đời lại để dành cho các cháu”. Đến năm 1959, cụ Biền mua lại nhà từ một người cháu dâu cụ Huyện Vấn. “Đến giờ, tôi ước cũng có vài đời người sống trong ngôi nhà này, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, gìn giữ ngôi nhà”, cụ Biền cho biết thêm. Cũng theo trí nhớ của cụ Biền, sơ khởi ngôi nhà có thiết kế rất rộng, gồm 7 gian (5 gian, 2 chái). Trước khi mất, cụ Huyện Vấn chia đôi nhà cho 2 người cháu. Một người trong số họ bán cho cụ Biền 3,5 gian với giá 500-600 đồng bạc. Khác với nhà bà Chung, nhà cụ Biền thiết kế theo phong cách nhà gỗ thuần Việt khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Mái nhà thẳng, không cong nhưng có phần hơi hếch lên ở phía góc mái để tạo sự thanh thoát. Phần mái lớn và chiếm tới 2/3 chiều cao của công trình. Mái nhà được lợp bằng ngói mũi hài hay còn gọi là ngói vẩy rồng. Nhà có các cột trụ và các vì nối với nhau bằng xà ngang, xà ngưỡng tạo thành hình hộp. Trong và ngoài nhà có trang trí một số hoa văn chạm khắc tinh xảo... Theo cụ Biền, đây là ngôi nhà cụ Huyện đặt nguyên khung mua từ Nam Trực về dựng lại. Và mặc dù có tuổi đời hơn tuổi cụ song đến nay, trải qua bao mưa bão, biến thiên, ngôi nhà chỉ phải sửa sang rất ít. Sân và nền nhà mới được cụ tôn lên cho cao ráo, thoáng đãng vài năm nay, phần mái cũng đảo mới. Còn lại các chi tiết trong nhà còn được giữ nguyên vẹn. “Bản thân tôi không muốn thay đổi gì trong ngôi nhà của mình bởi các thiết kế hiện đại đều không ăn nhập với ngôi nhà. Thậm chí đến lắp nóng lạnh hay điều hòa tôi cũng không muốn vì thực sự ngôi nhà là một “chiếc máy điều hòa” rất tốt, ấm về mùa đông và mát về mùa hè”, cụ Biền chia sẻ. Gắn bó với ngôi nhà tròn 60 năm, cụ Biền bảo, “buồn vui đều ở trong nhà hết. Khoảng những năm 1955-1956, tôi bắt đầu nhận công tác ở Xí nghiệp Gia công dệt Hà Nam Ninh. Cho đến năm 1990 tôi về hưu, vợ tôi là một thợ dệt chính cống. Cũng như nhiều gia đình khác trong làng ngoài xã, cả gia đình là một xưởng dệt. Các con tôi nghe tiếng thoi đưa mà lớn lên, học hành thành người”...
Những ngôi nhà cổ của bà giáo Lê Thị Kim Chung, cụ Phạm Phúc Biền ngày nay đã trở thành một phần “di sản” của làng cổ Dịch Diệp. Trong làng vẫn còn lưu giữ được nhiều kiến trúc đậm màu… xưa cũ. Đó là cổng làng, là đình làng, là cây đa cổ thụ trên 800 năm tuổi. Đó còn là những ngôi nhà, cổng nhà có niên đại trăm năm… Bước qua cổng làng, đi vào những con ngõ quanh co rợp bóng cây, người hành hương, khách phương xa đôi khi bị “chững” khi tận mắt được thấy một mái ngói nhuốm màu rêu phong, một cánh cửa mái vòm có đắp nổi năm xây cất trơ gạch đỏ. Nếp nhà xưa, vì thế trở thành phần hồn cốt của làng xã, của mỗi gia đình. Nếp nhà xưa cũng là sự nhắc nhớ người hôm nay phải biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ cho phần “di sản” còn lại ít ỏi đó./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân