Hiểm họa từ việc nuôi chó thả rông

04:04, 12/04/2019

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, tối 3-4, tại Thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên), một cháu bé 7 tuổi đã bị đàn chó 6 con của một gia đình xông vào cắn xé khiến cháu bị thương nặng rồi tử vong trên đường chuyển tới bệnh viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nuôi chó thả rông không có kiểm soát gây nên những sự việc đau lòng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, đi dọc các tuyến phố hay các khu vực nông thôn, bắt gặp tình trạng chó thả rông không xích khóa, rọ mõm, thậm chí là vô chủ. Hiện tượng chó thả rông đang trực tiếp đe dọa đến an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại, nhất là thời điểm nắng nóng đang đến gần.

Chó được thả rông ở ngã tư Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Chó được thả rông ở ngã tư Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Chó là loài động vật nuôi truyền thống rất gần gũi với con người. Ngoài việc có tình cảm gắn bó với gia chủ, nuôi để làm cảnh, chó còn có “nhiệm vụ” trông coi tài sản, xua đuổi kẻ trộm, người lạ vào nhà mà chưa được sự đồng ý của chủ nhân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các khu phố, đặc biệt là vùng nông thôn, phần lớn các gia đình đều chăn nuôi chó với mục đích để trông coi nhà. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật thì nhiều người vẫn không biết pháp luật có quy định chặt chẽ về lĩnh vực này. Chị Nguyễn Thị Liên ở phường Hạ Long (Thành phố Nam Định) cho biết: “Mới đây, trong lúc đi làm về bằng xe máy với vận tốc di chuyển khoảng 50km/giờ trên đường Trần Nhật Duật, đoạn qua địa phận phường Trần Tế Xương bỗng xuất hiện một con chó nặng khoảng 20kg băng ngang sang bên đường. Trong lúc xe đang chạy với tốc độ cao, gặp tình huống bất ngờ, tôi đã không làm chủ được và phanh gấp dẫn đến bị ngã và sây sát nhẹ còn con chó không bị xe gắn máy cán qua người nên nhanh chóng chạy đi”. Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Liêm Hải (Trực Ninh) khi nhắc đến tình trạng chó thả rông vẫn chưa hết ám ảnh, anh cho biết: “Có lần tôi cùng con trai đi ra ngoài có chút việc, khi đi qua quãng đường vắng bỗng có một con chó chui từ bụi rậm xông ra đuổi theo làm con tôi hốt hoảng, còn tôi thì sợ nó chồm lên cắn con mình. Kể từ đó về sau, chạy xe trên đường tôi luôn cảnh giác với những con chó thả rông đi trên đường”. Anh Lê Thanh Hòa ở phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) cũng vô cùng bức xúc trước việc chó thả rông phóng uế bừa bãi, anh cho biết: “Nơi tôi ở đường phố rất sạch sẽ, nhưng điều làm tôi khó chịu ở đây là một số hộ gia đình nuôi chó cứ chiều đến hoặc sáng sớm là chúng tự do phóng uế bừa bãi ngay trên đường dẫn vào các lối đi, vô cùng mất vệ sinh. Chưa kể mỗi lần tôi hay đi tối về gặp thêm mấy chú chó nằm giữa đường, vì tránh nó nhiều lúc tôi suýt bị ngã xe”…

Việc thả rông động vật nuôi, gia súc không những làm cản trở, mất an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Để xử lý hành vi này, pháp luật đã có những quy định cụ thể như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Ngoài ra, để nâng cao ý thức của người dân về quản lý vật nuôi nói chung, chó, mèo nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như quy định phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng đối với các hành vi nuôi chó nhưng không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi thả rông chó trong khu đô thị, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường. Nghị định còn quy định, ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiểm tra việc tiêm phòng bệnh dại chó, đồng thời xử phạt các hành vi để chó chạy rông cắn người, gây tai nạn. Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng trên thực tế việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra khắp nơi. Trong thực tế việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn vì các xã không có lực lượng đi kiểm tra hay bắt chó thả rông. Còn người bị gia súc, vật nuôi cản trở gây tai nạn giao thông thì vẫn phải tự chịu chi phí, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi để yêu cầu bồi thường.

Vật nuôi thả rông trên đường rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và cả tính mạng, sức khỏe của người đi bộ trên đường nếu chẳng may bị loài vật tấn công. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng vật nuôi gây tai nạn cho người tham gia giao thông, thời gian tới, các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền qua các hình thức, như: phát tờ rơi, các phương tiện thông tin đại chúng…, tổ chức thống kê đàn chó trên địa bàn các khu dân cư, đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết tiêm phòng dại, chủ động mua rọ mõm và không thả chó ra đường nhằm hạn chế những vụ việc nguy hiểm từ chó thả rông. Phải có biện pháp mạnh đối với những hộ nuôi chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường bằng cách phạt nặng chủ nuôi, hoặc tiến hành bắt chó không có người trông coi. Người chủ cần quản lý tốt vật nuôi, hạn chế thả rông ra đường, tiêm phòng đầy đủ, những trường hợp để chó dữ tấn công người khiến nạn nhân bị thương tật, tử vong, phải tùy vào mức độ mà xử lý hành chính hay hình sự./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com