Vượt lên số phận

07:04, 19/04/2019

Bị khuyết tật từ lúc còn bé, hơn 30 năm qua, chàng trai Trịnh Văn Lợi ở xã Phương Định (Trực Ninh) vẫn ngày ngày âm thầm nỗ lực để sống, làm việc và khẳng định mình. Anh là tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận và khẳng định tài năng của mình trên hành trình lập nghiệp.

Anh Trịnh Văn Lợi (bên phải), xã Phương Định (Trực Ninh) đang điêu khắc tranh gỗ.
Anh Trịnh Văn Lợi (bên phải), xã Phương Định (Trực Ninh) đang điêu khắc tranh gỗ.

Khi sinh ra, anh Lợi cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm lên 2 tuổi, một cơn sốt ác tính khiến cho chân phải của anh cứ teo dần, co quắp lại, không đi đứng được. Gia đình chạy vạy khắp nơi để chữa trị nhưng bệnh tình của anh vẫn không cải thiện. Không đi lại được bình thường như bạn bè cùng trang lứa nên chưa học hết lớp 9 Lợi đã nghỉ học và đi học nghề chạm khắc mỹ nghệ. Nhớ lại thời gian đầu khi bắt đầu khởi nghiệp, học nghề gì đối với Lợi lúc đó là bài toán khó, bởi anh không có đôi bàn chân lành lặn như bao người bình thường khác. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cuối cùng Lợi quyết định học nghề chạm khắc gỗ ở một xưởng gần nhà. “Việc học nghề đối với tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải mất hàng tháng trời mới quen được công việc, nhưng càng học tôi càng thấy mình đam mê với nghề chạm khắc. Mỗi khi bắt tay vào việc và hoàn thành một sản phẩm, tôi có cảm giác như mình là người nghệ sĩ, vừa sáng tác xong một tác phẩm hoàn chỉnh...”, anh Lợi cho biết. Với nghị lực vượt khó vươn lên, chỉ sau 1 năm, Lợi đã học thành nghề chạm khắc và có thu nhập 300 nghìn đồng/tháng. Luôn phấn đấu học nhiều hơn nữa, năm 2005, anh tiếp tục vào Nam để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm làm ghế trường kỷ, sập gụ, làm đồ thờ, làm hàng kỹ. Không cam chịu cảnh đi làm thuê, năm 2011, Trịnh Văn Lợi về quê tạo dựng sự nghiệp, quyết tâm mở xưởng mộc tại quê nhà. Sau 11 năm học nghề, tự bươn trải làm ăn kiếm sống từ Nam ra Bắc, Lợi đã tích lũy được kinh nghiệm, năm 2013, Lợi thành lập xưởng chạm gỗ điêu khắc, trở thành ông chủ trẻ thế hệ 8X ở địa phương. Những ngày đầu lập nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, anh phải nhờ bố mẹ đứng ra vay Ngân hàng Chính sách xã hội xã Phương Định 300 triệu đồng để đầu tư máy móc. Bên cạnh khó khăn về vốn thì việc tìm kiếm thị trường, giới thiệu đến khách hàng sản phẩm của mình cũng vô cùng nan giải, nhờ những người thân quen giới thiệu về sản phẩm ở khắp mọi nơi và cam kết về chất lượng sản phẩm. Với độ tinh xảo trong mỗi sản phẩm điêu khắc của anh mà cơ sở sản xuất đồ gỗ đã dần có lượng khách hàng ổn định. Những nỗ lực không ngừng, cùng nghị lực, quyết tâm của một người khuyết tật, cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Lợi đã cung cấp các sản phẩm như: bàn ghế, tủ, tranh ảnh tứ quý, các loại bàn thờ… đi các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng. Trung bình một tháng, cơ sở của anh sản xuất được hàng trăm loại sản phẩm khác nhau đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có vốn, anh tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh có diện tích rộng 500m2 với nhiều các loại máy móc khác nhau. Trong đó, anh đầu tư 3 dàn máy CNC, điều khiển bằng hệ thống máy vi tính hiện đại. Anh nhận ra rằng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật hiện nay, việc điêu khắc gỗ không còn dừng lại bằng tay mà cần có sự hỗ trợ của máy móc. Anh đã tìm tòi học hỏi ứng dụng công nghệ thông tin vào xưởng sản xuất của gia đình, khi sử dụng máy để gia công khắc gỗ, sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế, rất thuận lợi trong gia công khắc gỗ hàng loạt, thời gian gia công ngắn nên sẽ tiết kiệm chi phí gia công, giá thành luôn rẻ hơn so với khắc gỗ bằng tay, giảm thiểu tối đa lỗi trong quá trình sản xuất. Đầu tư máy móc bài bản, nghiêm túc trong công việc, các sản phẩm của cơ sở anh Lợi làm ra đáp ứng nhu cầu của thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trịnh Văn Lợi không chỉ tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã, anh còn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trò chuyện về chuyện nghề và chuyện đời, Trịnh Văn Lợi cho biết: “Người khuyết tật như chúng tôi, học nghề gì, làm ở đâu, có được xã hội chấp nhận hay không là điều vô cùng quan trọng. Với tôi, có kết quả như ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt. Thế nhưng trong tôi lúc nào cũng có niềm tin là mình sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức thì thành công sẽ đến”.

Tự học nghề, mở xưởng, tạo lập được cơ ngơi khang trang, người dân xã Phương Định ai cũng nể phục bản lĩnh, ý chí của anh. Tuy không lành lặn nhưng anh lại có tất cả mà ngay cả những người bình thường không phải ai cũng làm được. Hy vọng rằng, với tấm gương của anh Trịnh Văn Lợi sẽ tiếp thêm ý chí và nghị lực cho những số phận kém may mắn để họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com