Đổi thay trên quê lúa

08:04, 05/04/2019

Về xã Xuân Phong (Xuân Trường) hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay ở một xã có nhiều khó khăn, tưởng chừng khó có thể xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi thăm xã Xuân Phong là những con đường hoa nhiều màu sắc, những con đường được trải nhựa, bê tông; hai bên bờ sông được kè đá, thông thoáng, không có rác thải, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi. Để có kết quả này, xã giao cho Hội Phụ nữ vận động hội viên và người dân lựa chọn trồng các loài hoa có sức sống tốt, phù hợp cảnh quan ven đường và bảo đảm nở hoa nhiều lần trong năm như hoa mười giờ, hoa hoàng yến, hoa giấy… Mô hình tuyến đường mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp” được xã thực hiện từ năm 2017 tại các đường trục xã, đường trục xóm nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong sạch và làm đẹp cảnh quan nông thôn. Không khí “đua nhau” tìm những giống hoa lạ, đẹp để trồng giữa các hộ dân liền kề đã tạo nên cảnh quan thật sự sạch - đẹp ở vùng nông thôn. Đến nay, tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã với tổng chiều dài gần 11km đều được “khoác áo hoa” rực rỡ; có đèn điện chiếu sáng. Người dân sau khi tự tay trồng rất tự giác chăm sóc hoa, đồng thời có ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi để giữ gìn môi trường cảnh quan sạch - đẹp.

Đường hoa góp phần làm đẹp cảnh quan xã nông thôn mới Xuân Phong.
Đường hoa góp phần làm đẹp cảnh quan xã nông thôn mới Xuân Phong.

Được biết, Xuân Phong có dân số hơn 10 nghìn người, sinh hoạt ở 18 xóm, trong đó có gần 1/3 đồng bào theo đạo Thiên chúa. Xã có nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất. Ngành nghề chính của lao động địa phương là trồng lúa, ngoài ra nhân dân còn làm thêm các nghề phụ như dệt may, cơ khí, nghề mộc, nghề thợ xây, chăn nuôi… nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình. Trong đó, xã duy trì ổn định 359,5ha diện tích sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Đến nay, xã Xuân Phong đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi nên năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 116-120tạ/ha. Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ gia đình chăn nuôi tập trung theo hướng nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện, toàn xã có hơn 200 gia trại chăn nuôi gia cầm, nuôi thủy sản, quy mô từ 200-1.000 con gia cầm. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nghề phụ đã có bước phát triển vượt bậc. Điển hình là việc Hội Phụ nữ xã đã kết hợp với Doanh nghiệp Minh Nhung (xã Xuân Phú) đang từng bước khôi phục lại nghề đan cói truyền thống, tạo việc làm cho hơn 600 hội viên phụ nữ và các lao động nhàn rỗi, thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần còn 1,89% (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 87%.

 Nhớ lại thời điểm mới triển khai xây dựng NTM, đồng chí Đinh Thiện Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, Xuân Phong là địa phương có điểm xuất phát thấp, thu nhập của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kinh tế phát triển chưa bền vững. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp còn chậm; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ, sử dụng nhiều công lao động, hiệu quả đầu tư thấp; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, sự quan tâm, hướng dẫn sâu sát của Ban chỉ đạo, Tổ công tác xây dựng NTM; sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với chủ trương xây dựng NTM. Từ chủ trương này, các phòng, ban, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xã đã vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Với những nỗ lực, xã đã tập trung hoàn thành đạt 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2017. Mặc dù đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM song Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục, các tiêu chí có tính kế thừa và phát triển nên hàng năm đều xây dựng các giải pháp để duy trì và phát triển các tiêu chí bền vững. Hiện, xã đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao Dự án đường Bắc - Phong - Đài cho đơn vị thi công; dự án sông Cát Xuyên đảm bảo thời gian, tiến độ; tiếp tục triển khai đầu tư tầng 2 nhà hiệu bộ và 4 phòng học trường trung học cơ sở; hỗ trợ xóm 2, xóm 4 làm đường giao thông nội đồng. Các kênh mương tưới, tiêu hoặc tưới tiêu kết hợp do xã quản lý đã kiên cố hoá mương cấp 3 với tổng chiều dài 7,4km ở vùng sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, đảm bảo dòng chảy thông thoáng.

Để chương trình xây dựng NTM phát huy hiệu quả bền vững, hiện nay, Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó chú trọng nhất là tiêu chí về thu nhập. Để thực hiện tốt tiêu chí này, địa phương tập trung vào bốn giải pháp cơ bản: Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối địa phương và vùng miền để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; chuyển đất trồng lúa sang trồng màu và cây ăn trái, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tốt nhất để lao động trẻ tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, xã tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng NTM phù hợp yêu cầu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch chung của huyện và tỉnh; huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ kinh tế - xã hội phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com