Ở một vùng quê kinh tế phát triển, lại có bề dày văn hóa truyền thống nên chợ Hành Thiện xã Xuân Hồng không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa sầm uất nhất của huyện Xuân Trường mà còn nổi tiếng là một không gian văn hóa tinh thần đặc sắc dấu ấn chợ quê vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú.
Xã Xuân Hồng nằm ở phía tây bắc của huyện Xuân Trường: nơi đầu mối giao thông thủy bộ với các huyện, các tỉnh lân cận, ba phía bắc, tây, nam được hai dòng sông Hồng, sông Ninh Cơ bao bọc. Từ ngã ba Mom Rô thuộc địa phận xã Xuân Hồng, thuyền bè xuôi theo sông Hồng ra cửa biển Ba Lạt, đi tới cảng Hải Phòng và các địa phương ven biển khác hoặc xuôi theo dòng sông Ninh Cơ, thuyền bè qua các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng rồi ra biển. Trong xã còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch thông với sông Ninh, sông Hồng qua 4 bến đò để nối Xuân Hồng với các huyện bạn và tỉnh bạn. Hệ thống giao thông đường bộ cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp tạo nên vị thế “trên bến dưới thuyền” tấp nập xuôi ngược, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thủy hải sản được trao đổi thuận tiện. Về quy mô xã Xuân Hồng khá lớn so với các xã khác, lại sớm được xây dựng quy hoạch mang dáng dấp thị tứ nên xã Xuân Hồng xưa không chỉ có một chợ như nhiều xã khác mà có nhiều chợ (chợ Dâu, chợ Hôm, chợ Đáy, chợ Sồng và chợ Dưới), có sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Chợ Dâu liên quan đến nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương họp ở khu vực cầu Đập từ 6 đến 8 giờ sáng, chủ yếu cung ứng hàng nông sản như lá dâu, giống dâu, giống mạ, rau củ quả mùa nào thức nấy. Chợ Hôm (còn có tên gọi là chợ Đình) họp từ 4 đến 6 giờ chiều, chủ yếu bán vải, tơ sợi. Các chợ Đáy, chợ Sồng là chợ cóc ven sông chỉ họp ngắn ngủi vào giờ thuyền bè về. Chợ Dưới (nay là chợ Hành Thiện) không chỉ lớn nhất huyện mà còn là một trong số các chợ lớn nhất của tỉnh. Được hình thành từ cuối thế kỷ XVI, chợ Dưới tọa lạc ở cạnh miếu cuối làng, giáp ngã ba sông Bùi Chu trên một khu đất trống của làng Trong và một khu đất trống làng Ngoài, có cầu bắc qua sông Bùi Chu nối hai phần của khu chợ lại với nhau. Một cạnh của chợ Dưới nằm sát mép sông Bùi Chu ăn thông ra sông Hồng và sông Ninh Cơ có rất nhiều thuyền bè qua lại thuận lợi cho các tư thương xuất, nhập hàng hoá. Làng Hành Thiện có địa thế và hình dáng đặc biệt giống con cá chép đang quẫy đuôi đầu hướng ra biển. Sát chợ Dưới là giếng ngọc, nằm ở vị trí gần “mắt cá” nên cũng thu hút được nhiều du khách đi tham quan giếng ngọc vào chợ mua sắm. Thời gian họp chợ từ khoảng 9 đến 15 giờ (thời điểm giao thoa giữa chợ Dâu và chợ Đình) và bán đủ loại hàng hóa tiêu dùng từ nông sản, vải vóc tơ lụa, hàng tạp hóa, đồ sành sứ, đồ đồng, đồ điện đến các loại thực phẩm bổ dưỡng đông dược, nam dược…
Gian hàng đặc sản bánh đúc, xôi nén tại chợ quê xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Chợ có kiến trúc đẹp với quy mô lớn gồm một đình chợ cao ráo, lợp ngói, có cột xi măng đỡ mái, bốn mặt chợ đều trống; xung quanh tòa nhà lớn này có tám quán ngói, quán nào cũng mặt trước để trống, mặt sau có tường bao. Năm 1930, chợ được xây lại với quy mô rộng lớn và tiếp tục được tôn tạo, nâng cấp cho đến ngày nay. Cũng do nhu cầu tiêu dùng và thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi mà các chợ nhỏ như chợ Dâu, chợ Hôm, chợ Đáy, chợ Sồng tự tan rã, hợp nhất với chợ Dưới. Chợ Dưới vì thế không họp theo phiên như xưa mà họp hàng ngày suốt từ sáng sớm đến chiều muộn. Chợ Dưới sau được UBND xã Xuân Hồng đổi tên là chợ Hành Thiện, hàng hóa phong phú đủ chủng loại đảm bảo phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất và văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng; được sắp xếp theo từng khu vực: hàng điện tử - điện máy, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, gian hàng bán con giống gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo; các loại thủy hải sản, thịt tươi sống… nhưng chỉ dừng lại ở vòng ngoài hoặc cuối chợ. Ngăn cách sự ồn ào đó là dãy hàng hoa, hàng nông sản, rau củ quả bốn mùa. Vào đến đình chợ là khu bán nông cụ, văn hóa phẩm, sách báo và tâm chợ là khu vực hàng ăn với đầy đủ đặc sản quê hương. Nào bánh đúc lạc, bánh đúc mỡ, bánh chưng, bánh giầy, bánh rán mật, rồi xôi nén củ cẩm, xôi nghệ, xôi ngô, xôi sắn… được chế biến theo đúng phương thức cổ truyền từ xưa để lại. Mỗi món ăn lại có một dòng chú giải gắn với phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây. Như món xôi nén củ cẩm màu tím Huế dẻo thơm, chắc nịch, đậm hương nếp cái, ngọt bùi vị củ cẩm thanh tao là món quà ẩm thực xưa kia chỉ dành riêng dâng kính các cụ cao niên trong lễ hội Trương Yến tổ chức 3 năm một lần tại làng Hành Thiện; món sắn dây nấu mật chỉ đơn giản là thay đổi cách chế biến củ sắn dây, thay vì luộc theo cách thông thường bằng nước thì ở Hành Thiện bà con luộc với mật mía. Món ăn phụ dân dã nhưng gói ghém sự lo toan của người phụ nữ với mong muốn bổ sung chất dinh dưỡng, củ sắn quyện thêm mật sẽ lâu bị thiu, bở tơi, bùi, béo, đậm ngọt khác thường… Đi chợ Hành Thiện sẽ nhận thấy ở đây không có sự tranh mua, tranh bán, những cuộc cãi vã va chạm, mua bán, gian lận…, mọi giao tiếp giữa người mua và người bán đều điềm đạm, chừng mực, hồ hởi thân tình như gặp người quen. Điều này được ông lão coi xe ở góc chợ giải thích: Chợ nằm trên đất Hành Thiện nổi tiếng nền nếp, có văn, có chữ nên ai đến chợ dù bán, mua, dù ở bất cứ xứ nào cũng “nhập gia tùy tục” cẩn trọng lời ăn, tiếng nói.
Giữa ồn ào, xô bồ của cuộc sống hiện tại, chợ quê Hành Thiện như một phần văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chợ Hành Thiện gói ghém đủ cả đặc trưng thị tứ của làng Hành Thiện ở sự sầm uất trong hoạt động giao thương quy mô vùng miền; lại có chiều sâu bình dị của chợ quê với văn hóa làng đậm đà. Nên ai đã từng đến chợ một lần vẫn mong có dịp quay trở lại. Con cháu quê hương Xuân Hồng dù làm ăn, buôn bán đâu xa có dịp về quê hương không thể không đi chơi chợ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương