[links()]
(Tiếp theo và hết)
Kỳ III: Tiềm năng kinh tế của Côn Đảo
Côn Đảo có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch với nhiều thắng cảnh, bãi tắm đẹp và những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương… gắn liền với trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài ra Côn Đảo hội đủ các điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, bởi có rừng nguyên sinh với hệ động - thực vật phong phú, đa dạng, đặc biệt là động - thực vật ven biển; có các bãi biển đẹp và môi trường trong lành.
Hoạt động du lịch của Côn Đảo phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây. Theo báo cáo nhanh của các đồng chí lãnh đạo huyện ủy, 5 năm qua (2010-2015), doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.377 tỷ đồng, Côn Đảo đã đón 440.600 lượt khách, trong đó có 87 nghìn lượt khách quốc tế. Riêng trong năm 2015 đón 105.370 lượt khách (trong đó có 21 nghìn lượt khách quốc tế), gấp 2,6 lần so năm 2010. Quy mô đầu tư du lịch ngày càng mở rộng, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng được hoàn thiện. Giao thông hàng không trung bình 3 chuyến/ngày; giao thông đường biển có những chuyển biến tốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá. Hiện nay trên địa bàn đã có 7 dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài với trên 125 triệu USD đăng ký đầu tư vào Côn Đảo, có 2 dự án đã triển khai gồm: Khu du lịch Sixsenese, Khu du lịch Việt - Nga. Ngoài ra, Côn Đảo còn có vùng vịnh bao gồm các vịnh Bến Đầm, Côn Sơn và Đông Bắc, với ưu thế có mực nước sâu, lặng gió lại nằm ở vị trí sát đường hàng hải quốc tế từ Âu sang Á nên Côn Đảo được Nhà nước quy hoạch vào nhóm cảng biển số 8 (cụm cảng biển Côn Đảo), nằm trong 8 nhóm thuộc quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020.
Du khách tham quan Khu Ram-sa biển đầu tiên của Việt Nam. |
Với những lợi thế, tiềm năng nói trên, nhất là tiềm năng về kinh tế biển, huyện Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện định hướng đến năm 2020 thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam. Xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí trên góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc. Theo đề án nói trên, mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo trong tương lai là du lịch và dịch vụ gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng. Côn Đảo sẽ trở thành khu kinh tế - du lịch hiện đại, đặc sắc, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Côn Đảo đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các di tích theo quy hoạch, xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí. Tập trung quy hoạch chi tiết các khu vực trung tâm Côn Đảo, Cỏ Ống, Bến Đầm và một số đảo khác. Cùng với quy hoạch, Côn Đảo đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù và đột phá, xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư, đặc biệt giải quyết vấn đề nguồn nhân lực. Đó là những vấn đề then chốt mà hiện nay không chỉ riêng chính quyền huyện Côn Đảo tích cực chuẩn bị mà còn có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi đề án được đưa vào triển khai thực hiện. Với mong muốn mang lại cho Côn Đảo một diện mạo mới, đặc sắc và hấp dẫn tương xứng với tiềm năng vốn có, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo cam kết sẽ tạo môi trường, thủ tục đầu tư thông thoáng, minh bạch, thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và mô hình quản lý hành chính đặc thù Côn Đảo để giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước an tâm và hài lòng khi đầu tư vào Côn Đảo. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả các giá trị di tích lịch sử cách mạng và di tích văn hóa, như: Hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo. Làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng khu di tích nhà tù Côn Đảo, kêu gọi và vận động được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đóng góp đầu tư xây dựng. Tiêu biểu là 2 công trình: Đền thờ Côn Đảo và Bảo tàng Côn Đảo. Hằng năm đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm tư liệu, hình ảnh về di tích lịch sử cách mạng và theo một số chủ đề khác. Công tác hướng dẫn, giới thiệu di tích được cải tiến; chất lượng, nội dung ngày càng được nâng cao. Trong 5 năm qua, đã có 338.814 lượt khách tham quan Khu di tích và Bảo tàng. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm thực hiện. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức theo quy hoạch, quan tâm cán bộ, công chức trẻ. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Trong định hướng phát triển du lịch, thời gian tới huyện Côn Đảo tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, hiện đã hình thành 17 tuyến du lịch (gồm: 2 tuyến tham quan di tích, 6 tuyến du lịch sinh thái biển, 6 tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, 3 tuyến kết hợp tham quan di tích và danh thắng). Trên địa bàn hiện có 38 cơ sở lưu trú (gồm: 5 khách sạn lớn, 5 khách sạn mi ni, 4 nhà khách, và hàng chục nhà nghỉ của các hộ kinh doanh) với sức chứa 1.500 khách. Năm 2016 và những năm tiếp theo, huyện Côn Đảo phấn đấu thu hút vốn đầu tư để xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng sinh thái Hòn Cau, Đầm Tre, Đầm Trầu, Bãi Nhát, Bến Đầm, Sở Rẫy... với tổng vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Đề nghị cấp có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, công tác đào tạo du lịch chất lượng cao cho Côn Đảo. Xây dựng các tuyến du lịch giữa đảo với đất liền, giữa các đảo với nhau, giữa đảo với các điểm du lịch trong khu vực như Côn Đảo - Cần Thơ, Côn Đảo - Phú Quốc... Phát triển các dịch vụ đưa, đón du khách tham quan, câu cá, lặn biển ở các hòn đảo nhỏ, các bãi san hô... Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nhân dân Côn Đảo tham gia đẩy mạnh phát triển du lịch”. Tiếp tục phối hợp đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích lịch sử Côn Đảo và điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia theo hướng bảo tồn và nâng cao giá trị, phân vùng hợp lý cho phát triển du lịch sinh thái. Phối hợp xây dựng khu bảo tồn biển tại vùng biển Côn Đảo; phát huy các giá trị của Khu Ram-sa biển đầu tiên của Việt Nam. Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cửa hàng miễn thuế, chợ, siêu thị mi ni, trung tâm thương mại hiện đại kết hợp du lịch đi bộ tham quan và mua sắm tại khu vực Trung tâm và Cỏ Ống, đa dạng các loại hình dịch vụ bán lẻ phục vụ nhân dân và du khách. Quan tâm phát triển các dịch vụ thanh toán tài chính - ngân hàng, giao dịch ngoại tệ. Cải tiến và mở rộng các hình thức huy động vốn, hoạt động dịch vụ ngân hàng có đủ khả năng phục vụ kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Phát triển hạ tầng viễn thông; đa dạng các loại hình dịch vụ viễn thông đảm bảo thông tin, viễn thông nội đảo, giữa Côn Đảo với trong nước và quốc tế. Quan tâm mở rộng cung cấp điện, nước đáp ứng nhu cầu phát triển; ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án: Nhà máy điện, xử lý nước thải, rác thải với công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường; không phát triển các loại hình công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao. Đầu tư bổ sung nguồn điện công suất 13MW để đến năm 2020 đạt tổng công suất điện 19MW, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường như điện gió, điện mặt trời để giảm đầu tư điện diesel. Khai thác mặt nước biển, ứng dụng khoa học công nghệ triển khai các mô hình phát triển nuôi trồng các loài hải sản có giá trị cao phục vụ du lịch.
Trên cơ sở bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, giá trị thiên nhiên biển, đảo, Vườn quốc gia Côn Đảo và các khu di tích lịch sử cách mạng, Côn Đảo phấn đấu phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hoá lịch sử và các loại hình dịch vụ giải trí hiện đại, đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi cho khoảng 64 nghìn lượt khách du lịch (năm 2016) và tăng lên 150 nghìn lượt (vào năm 2020), trong đó có 54 nghìn lượt du khách quốc tế./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn