Năm nay dự báo mùa đông ấm hơn mọi năm, xuống biển tháng mười hai để cùng ngư phủ ra khơi vào lộng vẫn dễ dàng bắt gặp cái nắng ran rát mặt người. Nắng và gió lồng lộng trải đều khắp mặt biển cùng tiếng nói cười xôn xao của dân vạn chài vốn quanh năm quen “ăn sóng nói gió” khiến cho không khí lao động của vùng quê biển những ngày giáp Tết càng trở nên sôi động.
Nhà thơ Huy Cận đã mở đầu bài thơ
“Đoàn thuyền đánh cá” bằng những câu thơ:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa. Sóng đã cài then đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Câu hát căng buồm cùng gió khơi”..., đó là khí thế chinh phục Biển Đông của ngư phủ trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa cách đây vài chục năm. Và nay, khi có dịp xuống các vùng quê biển thuộc các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, chúng tôi vẫn cảm nhận thấy cái khí thế đó của dân làng chài, khác chăng phương tiện đánh bắt của ngư dân ngày nay đã khác xưa, họ đã có những đội tàu lớn hơn, những phương tiện đánh bắt hiệu quả hơn. Lão ngư Bùi Văn Nới, thôn Việt An, xã Hải Triều, Hải Hậu năm nay ngót 65 tuổi nhưng giọng nói vẫn rất hào sảng, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đi biển dài dằng dặc của mình. 15 tuổi theo cha xuống biển, chàng thanh niên Nới khi đó được cha kèm cặp những kỹ năng cơ bản nhất của nghề đi biển, cách lấy mắt mà nhìn con nước, đoán mùa cá để bủa lưới. Lớp cha trước, lớp con sau, 3 anh con trai của ông Nới sau này cũng nối nghề chài lưới. Theo lão ngư già, Hải Triều có 8 xóm thì cả 8 đều có người đi biển. Một số xóm như Việt An, Đông Bình, Tân Minh, gần 100% nam thanh niên theo nghề đi biển. Đàn ông ra khơi, đàn bà ở nhà đan lưới. Trong xã hiện có khoảng 130 ghe mủng, trên 200 bè, tàu lớn cũng có khoảng 40-50 chiếc. Thuyền to thì đi xa, xuống Thanh Hóa, vào Quảng Bình, Quảng Trị rồi ngược lên Thái Bình, Quảng Ninh, thậm chí giong buồm đánh bắt vào những ngư trường lớn thuộc vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Mủng, ghe nhỏ thì ra khơi vào lộng cách bờ từ 6-20 cây số. Tháng giêng, hai có cá đuối, tháng hai đến tháng tư có sứa, tháng mười đến tháng mười hai là mùa cá khoai…, 4 mùa, ngư phủ đều đặn thức khuya dậy sớm để ra với biển. Cả đời gắn bó với biển, đi biển từ cái thời thuyền còn dùng buồm lợi dụng sức gió để đẩy, ông Phạm Văn Tuân, tổ dân phố (TDP) Cồn Tàu Tây, Thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy nói: Mấy chục năm nay, tôi chưa khi nào có được 1 giấc ngủ đúng nghĩa bởi với dân vạn chài, khái niệm “ngủ ngày cày đêm” khá đúng. Hằng ngày cứ 3h sáng là tôi tỉnh giấc, 1 tay cầm đèn pin, tay còn lại xách theo lỉnh kỉnh nào nước ngọt, đồ ăn, thức uống để đi về phía biển. Trên đê làng nhấp nháy hàng trăm ánh đèn pin, dưới các bến thuyền, tiếng chào hỏi náo động”. Sau một đêm mệt nhoài kéo lưới, thành quả thu về làm nức lòng ngư dân, những mẻ tôm thuyền tươi xanh, hàng tạ cá nục nằm phơi màu trắng bạc phủ đầy các thuyền của ngư phủ. Và trên bờ, nhịp thu mua của thương lái cũng ồn ã không kém. Họ cân cá khoai, cân mực, ghẹ, cua… ngay tại chỗ. Và cũng chỉ loáng cái, sản vật của biển cả đã tỏa đi khắp các chợ đầu mối, chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu của người dân. Đó là nhịp sống hằng ngày của những ngư phủ còn khi Tết đến, làng chài lại có những nét riêng.
|
Ngư phủ xã Hải Triều (Hải Hậu) thu hoạch hải sản sau 1 đêm đánh bắt ngoài biển. |
Theo dòng hồi tưởng của lão ngư Bùi Văn Nới, 1 trong 8 chủ bến của Hải Triều quản lý trên 20 ghe, mủng, thuyền thì Tết của ngư phủ có cái gì đó rất “đặc trưng”: “Đã đi biển, là dân sông nước, ai cũng thờ thần biển, thần cá. Năm nào trời biển thuận hòa, ngư phủ chúng tôi đánh bắt đến tận ngày 28, 29, thậm chí 30 Tết. Nghỉ ngày mùng 1, sang ngày mùng 2, chúng tôi lại xuất quân. Đêm 30, dân vạn chài nhà nào nhà nấy mang hương, hoa tươi ra đầu mũi ghe, mũi thuyền để cầu khấn thần biển, thần cá phù hộ cho 1 năm đánh bắt mưa thuận gió hòa. Sáng mùng 1, họ tiếp tục thắp hương tại thuyền, họ coi thuyền như là nhà của mình nên không thể để lạnh lẽo trong 3 ngày Tết”. Cũng theo ông Nới, có những năm, dân vạn chài Hải Triều còn mở lễ ngoài bãi cầu thần biển thu hút hàng nghìn ngư phủ tham gia. Nghi lễ này rất quan trọng đối với dân biển vì họ tin rằng, vị thần vĩ đại của biển cả sẽ nghe thấy lời khẩn cầu của họ mà che chở cho dân vạn chài có đủ sức mạnh đương đầu với sóng to gió lớn, mang về những mùa cá bội thu. Còn với ngư dân Thị trấn Quất Lâm lại thờ ông Mộc, bà Mộc mỗi khi Tết đến, Xuân về để cầu mong những mùa vụ tôm, cá đầy thuyền, cầu mong những chuyến đi biển an lành. Anh Nguyễn Văn Bí, TDP Bình Trung, Thị trấn Quất Lâm cho biết thêm: “Đầu năm mới, cũng như ở nhà, chúng tôi sắm mâm ngũ quả, ít hương hoa cúng ông Mộc, bà Mộc trên thuyền. Chúng tôi cũng chuẩn bị chút ít lễ để khao chúng sinh và những người không gặp may khi đi biển. Mùng 3 Tết, ngư dân hóa vàng ngay trên thuyền”. Nếu nghi lễ cúng tế ngày Tết của dân vạn chài đã tương đối khác thì cách họ đón Tết lại càng “độc” hơn. Hơn 20 năm trước, thời gian còn gắn bó với thuyền buồm, do kỹ thuật thô sơ, việc vận hành những chiếc thuyền buồm rất khó khăn, do đó thời gian đi biển thường kéo dài hơn bây giờ nên việc ngư dân phải đón Tết trên biển là chuyện thường gặp. “Hồi đó, chúng tôi thường ra biển với những chuyến đi khá dài. Khoảng trước những năm 1990, khi đó thuyền của tôi xuôi vào tận Cửa Lân, Cửa Lác, Thanh Hóa để đánh bắt cá. Do thời tiết xấu, chúng tôi không thể vào bờ ngay được. Đó là lần đầu tiên tôi đón Tết trên biển. Tâm trạng khác lạ, nhớ đất liền, nhớ nhà, nhớ mùi vị bánh chưng vô cùng. Còn lo cho vợ con, mẹ già ở nhà. Cảm giác đó theo tôi đến tận bây giờ, vì thế sau này dù như thế nào tôi cũng mặc, phải sắp xếp thời gian đi để về với đất liền trước Tết. Giống như ông Tuân, vào dịp cuối năm, hầu hết dân “ra khơi vào lộng” thường thu xếp những chuyến đi ngắn ngày để về nhà đón Tết. Bởi cả năm họ đã lênh đênh trên biển. Vào khoảnh khắc chuyển giao của năm, họ muốn được ở nhà, cảm nhận không khí ấm cúng của đêm Giao thừa. Nhưng không phải ngư phủ nào cũng kịp “về quê ăn Tết”, nhất là đối với dân đi lộng. Vì khoảng cách xa xôi, ngư phủ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị ra biển Nam Định đánh bắt thường không kịp về quê ăn Tết. Họ “tụ” lại một nơi nào đó, mua sắm vội vã cặp bánh chưng, ít hoa quả, hương vàng bày biện sơ sài trên thuyền để đón Giao thừa. Thôi thì, cũng vì nghiệp mưu sinh chứ ngày Tết, ai chả muốn về” ông Nới chép miệng…
…
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng. Lướt giữa mây cao với biển bằng. Ra đậu dặm xa dò bụng biển. Dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Và để có được phút huy hoàng “muôn dặm khơi” như Huy Cận miêu tả, hầu hết ngư dân đều phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Cũng chưa có ai nói đời ngư phủ là sướng, là nhàn hạ, thậm chí, ai cũng nói nhọc nhằn lắm cái nghề đi biển. Nhưng đã là ngư phủ ít ai bỏ nghề. Bởi, cái vị mặn mòi của biển, của sóng nước không dễ gì gột bỏ trong những tâm thức của những người đã quen nơi “đầu sóng ngọn gió”. Tôi hình dung lại cách mà những ngư phủ Hải Triều đưa thuyền vào bờ. Sáu người đứng hai bên mạn thuyền, 1 ngư phủ đứng giữa đầu mũi thuyền chỉ huy, đằng sau lưng là hình ảnh rất đẹp, rất huy hoàng của lá cờ Tổ quốc bay phần phật trước gió. Đủ thấy đẹp đẽ, khỏe mạnh, tráng kiện và vạm vỡ biết bao nhiêu tư thế của những người đứng nơi đầu sóng./.
Bài và ảnh:
Hoa Xuân