Xuất khẩu lạc quan mục tiêu tăng trưởng

08:01, 29/01/2016

Sau 5 năm nỗ lực toàn diện, năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh xấp xỉ ngưỡng 1 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm đầu nhiệm kỳ (năm 2011 đạt 322,4 triệu USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn tỉnh đạt bình quân hơn 31,4%/năm, cao gấp hơn 2 lần so với kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng xuất khẩu thuộc nhiều thành phần kinh tế và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu đạt 10 triệu USD trở lên. Hàng hóa xuất khẩu đã đa dạng, phong phú, tập trung ở 6 ngành hàng chủ yếu là nông sản, lâm sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ và cơ khí chế tạo. Đáng chú ý là các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh trong những năm gần đây có sự chuyển biến về chất với hàm lượng chất xám cao hơn nên lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng cao hơn, nhờ đó các doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, mở rộng sản xuất và cải thiện đời sống của người lao động. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, một số thị trường truyền thống bị thu hẹp, kết quả này phản ánh định hướng, bước đi đúng trong phát triển kinh tế của tỉnh 5 năm qua, đặc biệt là hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định.

Chiếm thị phần chủ yếu trong xuất khẩu của tỉnh là hàng may mặc với giá trị trên 860 triệu USD, tiếp đến là khăn cao cấp các loại 230 triệu USD, còn lại là hàng thủ công mỹ nghệ, lâm sản và thịt đông lạnh… Là một trong những con chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Cty CP May Sông Hồng đạt xấp xỉ 187 triệu USD, cao hơn so với năm 2011 gần 100 triệu USD. Để có được thành công này, bước đột phá quan trọng là Cty đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ việc gia công xuất khẩu sang làm hàng FOB (nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm), kết hợp tìm kiếm thị trường mới nên đã đạt giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Cty có chế độ quan tâm đặc biệt đến người lao động với phương châm đề cao tinh thần trách nhiệm “chung lưng đấu cật” cùng Cty phát huy sáng kiến, kinh nghiệm lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Cùng với Cty CP May Sông Hồng, các doanh nghiệp dệt may khác đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đạt khoảng 50 triệu USD; Cty CP Dệt may Sơn Nam đạt 18,2 triệu USD; Cty CP May Nam Hà đạt 12,4 triệu USD… Khối các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu tạo nên thành công nhờ đầu tư công nghệ, cải tiến kỹ thuật sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao và chuyển một phần sang xuất khẩu hàng chế biến sẵn thay cho xuất khẩu nguyên liệu thô trước đây. Trong năm 2014, Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định, ngoài các sản phẩm truyền thống như thịt lợn sữa, thịt lợn mảnh đông lạnh xuất khẩu, Cty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng phân xưởng chế biến thực phẩm chín với các sản phẩm chủ yếu là các loại xúc xích (tiệt trùng và thanh trùng), thịt lợn hun khói, giò lụa, chân giò hun khói… Toàn bộ quá trình sản xuất của Cty đều đáp ứng Bộ tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm HACCP và được Sở Y tế cấp chứng nhận đảm bảo VSATTP. Cty đã xây dựng quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu đến quá trình sản xuất; nghiên cứu phát triển sản phẩm và chủ động chào bán, điều tiết giá phù hợp nên đạt giá trị gia tăng cao hơn. Nhờ đó, Cty không chỉ giữ vững thị trường xuất khẩu chính Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Hồng Kông với giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt trên 1,644 triệu USD, cao hơn so với năm 2014 khoảng 1,5 lần. Các Cty chế biến thủy sản tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu cũng đã chuyển dần từ bán nguyên liệu thô tại vùng sản xuất sang bán sản phẩm qua chế biến với nhiều mặt hàng mới như cá mai khô, sứa ăn liền, tôm nõn, chả cá… Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng chuyển dần từ gia công theo đơn đặt hàng sang chủ động nghiên cứu tập quán sinh hoạt, đặc trưng văn hóa và thị hiếu tiêu dùng của thị trường cần hướng tới để thiết kế sản phẩm, chào hàng. Với cách làm này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ xuất bán thành công với giá trị gia tăng cao, chủ động được kế hoạch sản xuất, nguyên liệu, kỹ thuật mà còn thu hút được nhiều bạn hàng ở các thị trường khác quan tâm tìm hiểu, hợp tác. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp (CCN Cổ Lễ, Trực Ninh) chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã nghiên cứu thị trường, thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu mới như sắt, gỗ, nhựa composite thay thế nguyên liệu tre, nứa. Cty đã xuất khẩu với công suất 120 nghìn sản phẩm/năm các loại giỏ sắt (để trồng hoa trong nhà kính, giỏ hoa trang trí nội thất). Từ năm 2011, Cty đã sử dụng lõi nhựa giúp sản phẩm dễ tạo hình, bắt màu và bền hơn do không bị ảnh hưởng thời tiết nồm ẩm, hanh khô gây ẩm mốc, co ngót, cong vênh. Sản phẩm ngày càng đa dạng chất liệu như quấn mây, quấn nhôm, dán gỗ, thếp bạc hay phun sơn. Nhờ đó, Cty đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản... tạo việc làm cho trên 40 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2015, Cty tiếp tục đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất các loại mũ nan (từ nguyên liệu tre, nứa, giang) xuất khẩu sang thị trường các nước châu Phi, Mỹ La-tinh.

Bên cạnh sự năng động nhạy bén của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thì tác động quan trọng làm nên đột biến giá trị xuất khẩu tăng là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh, các ban, ngành chức năng trong dự báo về thị trường hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các trung tâm chức năng như Xúc tiến thương mại, Khuyến công (Sở Công thương) là cầu nối tích cực giữa doanh nghiệp với các Tham tán thương mại, Tùy viên thương mại ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Anh, Hàn Quốc; Hải quan Nam Định đẩy mạnh cải cách hành chính trong giao dịch, cắt giảm hầu hết những khâu trung gian, giúp việc thông quan nhanh chóng, thuận lợi…

Năm 2016 tiếp tục là một năm nhiều thách thức song cũng đầy cơ hội cho hoạt động xuất khẩu khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại kết thúc. Với nền tảng kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, và những định hướng chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các doanh nghiệp có thể lạc quan về mục tiêu giữ vững mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới. Để làm tốt điều này, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường. Các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng lao động và đa dạng hóa các dòng hàng để tăng năng lực cạnh tranh. Đối với các mặt hàng của các làng nghề truyền thống cần hình thành tổ chức hiệp hội làng nghề để có đồng thuận về mặt bằng giá, chia sẻ thị trường, tăng cường hợp tác trong làng nghề để nâng cao sức cạnh tranh với đối tác nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com