Khởi sắc phong trào sinh vật cảnh

09:02, 24/02/2016
Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, phong trào sinh vật cảnh (SVC) tỉnh có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Doanh thu từ việc buôn bán hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật… duy trì ở mức cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 18-6-2006 của UBND tỉnh về việc “Đẩy mạnh phong trào SVC thành một ngành kinh tế”, các cấp Hội SVC trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên phát huy sự sáng tạo lựa chọn giống cây, tạo dáng thế phù hợp thị hiếu thị trường. Cùng với phát triển cây cảnh truyền thống, nhiều địa phương đã chuyển đổi trồng các cây bóng mát, cây ăn quả, cây trang trí trong các công trình xây dựng để đưa giá trị sản xuất SVC tăng cao. Các cấp Hội SVC tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố mở các lớp dạy nghề cho hội viên để nâng cao tay nghề tạo ra nhiều sản phẩm hoa, cây cảnh đẹp. Trong năm 2015, huyện Xuân Trường đã mở 2 lớp dạy nghề cho 50 hội viên; huyện Nghĩa Hưng mở 5 lớp dạy nghề cho 175 hội viên; Thành phố Nam Định mở 3 lớp với trên 100 hội viên; huyện Trực Ninh mở 1 lớp với 35 hội viên ở xã Liêm Hải, Thị trấn Cổ Lễ và tổ chức phổ biến kỹ thuật cho 672 lượt hội viên ở 8 xã. Huyện Xuân Trường mở 1 lớp dạy nghề SVC cho 35 học viên. Tại Hải Hậu, Hội SVC huyện đã duy trì tổ giáo viên dạy nghề gồm 7 người có tay nghề cao cùng với các nghệ nhân SVC huyện mở 4 lớp cho 200 người tham gia theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Từ năm 2011 đến nay, các cấp hội SVC tỉnh đã dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, cây thế cho trên 5.000 người, trong đó 2.000 người học lớp 3 tháng, 3.000 người học lớp 15 ngày. Ngoài ra, đội ngũ 30 tiểu giáo viên dạy nghề SVC trong tỉnh do Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ đào tạo cũng đã tích cực tham gia công tác dạy nghề cho các hội viên và người đam mê SVC trong tỉnh. Trước khó khăn về thị trường cây cảnh, trong năm 2015 CLB nghệ nhân SVC tỉnh đã tổ chức hội thảo về chế tác cây cảnh, phân biệt thế cây, dáng cây; Hội đồng Nghệ nhân SVC tỉnh tổ chức hội thảo với chủ đề “Sản phẩm SVC phù hợp với giai đoạn hiện nay” để tìm hướng sản xuất và đầu ra cho thị trường SVC. Tiếp tục thúc đẩy quá trình giao thương, các cấp hội SVC tỉnh đã tích cực tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm SVC vào dịp Tết, các sự kiện chính trị - xã hội của tỉnh. Hoạt động nổi bật trong năm 2015 là Hội SVC tỉnh đã tổ chức thành công triển lãm SVC chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020 với sự tham gia của 10 đơn vị trong tỉnh gồm 8 Hội SVC huyện, thành phố, Hội SVC thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), CLB cây cảnh nghệ thuật Thiên Trường và một số Hội SVC các tỉnh, thành phố trong khu vực với 2.500 cây cảnh nghệ thuật và 1.500 tác phẩm cây cảnh, gỗ lũa, đá cảnh, chim cảnh có tính thẩm mỹ cao, giá trị kinh tế lớn. Cũng trong thời gian này, Hội SVC tỉnh đã tuyển chọn và tổ chức trưng bày 19 cây cảnh nghệ thuật đặc sắc biểu trưng cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tại khu vực Quảng trường 3-2 tỉnh. Để tìm đầu ra cho sản phẩm SVC, các cấp hội SVC, các CLB cây cảnh nghệ thuật trong tỉnh đã tổ chức cho hội viên đem cây cảnh tham gia triển lãm SVC các tỉnh; tăng cường giao lưu, tham quan các mô hình trồng cây cảnh nghệ thuật ở tỉnh bạn để tích lũy kinh nghiệm cắt tỉa, chăm sóc và tìm đầu ra cho cây cảnh. Tiêu biểu như Hội SVC huyện Hải Hậu tham gia Festival SVC, đá quý, đá phong thuỷ tại Thanh Hoá với 200 tác phẩm, tham dự triển lãm SVC Chí Linh (Hải Dương) với 100 tác phẩm, triển lãm SVC Thái Nguyên với 80 tác phẩm; qua đó đã bán hàng chục tác phẩm cây cảnh nghệ thuật. Hội SVC Nghĩa Hưng tham gia triển lãm SVC ở Thanh Hoá và Hải Phòng với hàng trăm tác phẩm. Huyện Nam Trực cũng tuyển chọn hàng trăm tác phẩm cây cảnh đủ kích cỡ tiểu, trung, đại tham gia triển lãm SVC ở các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá... 
Nhờ trồng cây cảnh, gia đình ông Lâm Văn Quý ở xóm 2, xã Nam Thắng (Nam Trực) có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
Nhờ trồng cây cảnh, gia đình ông Lâm Văn Quý ở xóm 2, xã Nam Thắng (Nam Trực) có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
Nhờ triển khai đa dạng các hoạt động, năm 2015 doanh thu từ bán hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật… trong toàn tỉnh đạt khoảng 400 tỷ đồng tăng nhiều lần so với doanh thu năm 2014 là 62,5 tỷ đồng. Trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các nhà vườn, các địa phương đã bán ra thị trường hàng chục tỷ đồng hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân. Tiêu biểu như huyện Hải Hậu có 580ha diện tích trồng cây cảnh, với mức thu bình quân 250 triệu đồng/ha/năm có tổng thu nhập khoảng 150 tỷ đồng. Huyện Nam Trực được coi là cái nôi phong trào SVC tỉnh cũng thu nhập gần 100 tỷ đồng từ bán hoa, cây cảnh; tiêu biểu như: Điền Xá, Nam Thắng, Nam Toàn... Kinh tế SVC huyện Xuân Trường có sự khôi phục nhanh với tổng doanh thu từ bán cây cảnh khoảng 20 tỷ đồng. Thành phố Nam Định với đa dạng các mô hình phát triển SVC, trong đó tập trung cây cảnh nghệ thuật, bonsai… cũng có tổng doanh thu 10 tỷ đồng. Huyện Giao Thuỷ có khoảng 70ha trồng hoa, cây cảnh với 7.000 tác phẩm SVC các cỡ đem lại tổng thu nhập 4,2 tỷ đồng, bình quân 60 triệu đồng/ha.
 
Riêng CLB nghệ nhân SVC tỉnh đã tích cực vận động 69 thành viên tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại chợ Viềng Vụ Bản và chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), Lễ hội hoa cây cảnh truyền thống xã Điền Xá với số hàng hoá bán ra đạt 6,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 433 triệu đồng. Nhờ kinh tế SVC khởi sắc, nhiều nghệ nhân SVC trong tỉnh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ cây cảnh như bà Phạm Thị Lan ở xã Nam Phong; các ông: Trần Ích Phượng ở phường Trần Tế Xương (TP Nam Định), Vũ Văn Hoa, Đỗ Duy Quân ở xã Điền Xá (Nam Trực), Trần Văn Trung ở xã Hải Sơn (Hải Hậu), Lâm Như Thiệu ở huyện Nghĩa Hưng... 
 
Từ sự khởi sắc của phong trào SVC tỉnh trong năm qua, thời gian tới, Hội SVC tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển SVC tới cán bộ, hội viên. Củng cố tổ chức Hội SVC các cấp; động viên các đơn vị năng động, sáng tạo trong việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức nhiều lớp dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, đưa phong trào ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com